(vasep.com.vn) Trong 5 tháng đầu năm 2017, XK cá ngừ của Việt Nam đạt 216 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, XK cá ngừ chế biến đóng hộp tăng mạnh 35% so với cùng kỳ năm trước, XK cá ngừ đông lạnh tăng 11%. XK cá ngừ tiếp tục phục hồi nhờ sự tăng trưởng XK sang các thị trường chính truyền thống như Hoa Kỳ và EU. Hiện các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất được sang 79 thị trường trên thế giới, nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh, sản lượng nguyên liệu tôm, cá tra giảm, giá nguyên liệu tăng cao thì sản lượng cá ngừ và các mặt hàng hải sản khác tăng, nên đã có sự dịch chuyển đáng kể về cơ cấu sản phẩm và cơ cấu thị trường trong DN xuất khẩu. Xu hướng dịch chuyển về cơ cấu sản phẩm theo hướng nghiêng dần sang các mặt hàng hải sản được dự báo sẽ tiếp tục trong những tháng tới và cả năm nay. Chính vì vậy, để thúc đẩy kim ngạch XK cá ngừ của Việt Nam trong thời gian tới, ngày 5/6/2017, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi Công văn số 71//2017/CV-VASEP tới Tổng cục Thủy sản báo cáo và kiến nghị về 3 nội dung sau:
Nghề lưới vây
Nghề lưới vây của Việt Nam có ưu điểm là không sử dụng các thiết bị dẫn dụ cá (FADs), đáp ứng yêu cầu đánh bắt trong tương lai, qua thương mại và nhu cầu tiêu thụ trên thế giới, VASEP nhận thấy rõ ràng đây là một lợi thế của Việt Nam cần được đẩy lên thành thế mạnh. Do đó, VASEP kiến nghị Tổng cục Thủy sản cần xem xét sớm công bố nghề lưới vây của Việt Nam không sử dụng thiết bị dẫn dụ.
Hạn ngạch (quota)
Hạn ngạch dành cho XK cá ngừ vào EU của Hiệp định thương mại tự do EVFTA (sắp có hiệu lực): hiện chưa có quy định hay hướng dẫn về con số quota cụ thể cũng như quy trình cụ thể cho việc cấp hạn ngạch, trong khi EVFTA chuẩn bị có hiệu lực. VASEP kiến nghị Tổng cục Thủy sản, Bộ NN và PTNT có ý kiến với Bộ Công Thương để thúc đẩy và sớm thống nhất với EU về con số và cơ chế cấp hạn ngạch.
Giảm thuế nhập khẩu cá ngừ VN vào Nhật Bản
Nhật Bản là một trong 8 thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn của Việt Nam. Giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang đây đã tăng từ 12,6 triệu USD lên gần 54 triệu USD từ năm 2006 đến năm 2012.
Tuy nhiên, từ năm 2013 trở lại đây, XK cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản liên tục giảm. Do đó, Nhật Bản từ thị trường XK cá ngừ lớn thứ 3 đã tụt xuống vị trí thứ 6 trong tốp 8 thị trường NK cá ngừ lớn nhất của Việt Nam. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam NK vào Nhật Bản đang bị áp thuế cao hơn nhiều so với các nước XK cá ngừ cạnh tranh trong khu vực như Thái Lan và Philippines, nên không thể cạnh tranh được với các nước này.
Cụ thể, ngày 01/10/2009 Hiệp định đối tác kinh tế Việt-Nhật (VJEPA) chính thức có hiệu lực. Theo cam kết trong vòng 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Nhật Bản sẽ miễn thuế đối với 94% hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này đặc biệt là miễn thuế đối với 86% sản phẩm nông nghiệp (trong đó có thủy sản) xuất khẩu của Việt Nam. Và khi VJEPA có hiệu lực, các DN có thể so sánh lựa chọn biểu thuế giữa AJCEP (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản ký ngày 01/4/2008 có hiệu lực ngày 01/12/2008 đối với một số nước) thuế suất MFN (Tối huệ quốc) và VJEPA để xin mức thuế suất thấp nhất.
Tuy nhiên kể từ khi hiệp định VJEPA có hiệu lực cho đến nay mức thuế suất áp cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nước XK cá ngừ chính trong khu vực nên Việt Nam khó cạnh tranh được. Theo dữ liệu từ Hải quan Nhật Bản và các đối tác tại Nhật Bản thì hiện nay:
1. Đối với mặt hàng cá ngừ vằn đóng hộp (canned skipjack tuna - mã HS: 1604.14.010) xuất khẩu sang Nhật Bản kể từ tháng 4/2009 Thái Lan đã được hưởng mức thuế suất ưu đãi là 3,2%, tiếp đó giảm xuống còn 1,1% kể từ tháng 4/2011 theo Hiệp định đối tác kinh tế Nhật Bản – Thái Lan (JTEPA) và xuống 0% từ tháng 4/2012. Còn Việt Nam lại đang bị áp mức thuế 6,4%. Với mức thuế suất này cá ngừ đóng hộp của Việt Nam không thể cạnh tranh được với Thái Lan.
2. Đối với mặt hàng cá ngừ vây vàng đóng hộp (canned yellowfin tuna – mã HS 1604.14.092) và thăn/philê cá ngừ hấp đông lạnh (frozen skipjack/yellowfin/albacore tuna loins – mã HS 1604.14.099) xuất khẩu sang Nhật Bản: kể từ tháng 4/2009, Thái Lan đã được hưởng mức thuế suất ưu đãi là 4,8%, tiếp đó giảm xuống còn 1,6% kể từ tháng 4/2011 và 0% từ tháng 4/2012 theo JTEPA. Còn Philipine cũng đang được hưởng mức thuế 4,8%, tiếp đó giảm xuống 2,4% từ tháng 4/2011, rồi 1,2% từ tháng 4/2012 và về 0% từ tháng 4/2013 theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam vẫn đang phải chịu mức thuế cao hơn 40% so với các nước này tương đương 7,2% theo GSP, 9,6% theo VJEPA khi xuất sang thị trường Nhật; thậm chí trong AJCEP còn không có lộ trình về 0% như Thái Lan và Philipines.
Quý 1/2017 đã có văn bản báo cáo và kiến nghị với Bộ Công thương và đã được Bộ này ghi nhận. Nay VASEP báo cáo Tổng cục Thủy sản và Bộ NN và PTNT về tình hình này để Bộ NN và PTNT có ý kiến thêm với Bộ công Thương để xem xét ưu tiên và rà soát lại nội dùng này với Nhật Bản nhằm đưa mức thuế NK các sản phẩm cá ngừ từ Việt Nam được về 0% như Thái Lan và Philippines.