Trần Đề (Sóc Trăng): Sản xuất, tiêu thụ tôm nuôi nước lợ khá ổn định

Đó là một trong những đánh giá của đồng chí Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng trong chuyến đi khảo sát tình hình khó khăn, vướng mắc trong nuôi trồng, thu hoạch, tiêu thụ thủy sản tại huyện Trần Đề, vào sáng ngày 31-8. Cùng đi còn có các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan.
Trần Đề Sóc Trăng Sản xuất tiêu thụ tôm nuôi nước lợ khá ổn định
Đoàn đến khảo sát tình hình nuôi tôm tại hộ ông Phan Văn Lý Sơn, xã Trung Bình (Trần Đề).

Theo đó, đoàn đã đến khảo sát thực tế khu vực nuôi tôm nước lợ tại huyện Trần Đề của Công ty TNHH Khánh Sủng, công ty nuôi tôm theo hình thức công nghệ cao và tôm nuôi sau thu hoạch đạt năng suất, chất lượng tốt; tôm nuôi được đơn vị dùng làm nguyên liệu để chế biến phục vụ thị trường xuất khẩu. Theo lãnh đạo công ty, kết thúc thời gian thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tỉnh chuyển sang việc phân vùng trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, việc sản xuất của công ty khá thuận lợi, nhất là lượng công nhân đã trở lại làm việc nhiều và giá tôm đã bắt đầu tăng theo từng ngày. Đồng thời, để công nhân yên tâm làm việc tại nhà máy, công ty kiến nghị tỉnh đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho các đối tượng như: công nhân, người thu hoạch, người thu mua...

Ông Phan Văn Lý Sơn, xã Trung Bình (Trần Đề) chia sẻ: Giá tôm giảm, ảnh hưởng đến thu nhập tại hộ, nhưng đầu ra vẫn ổn định. Khó khăn hiện tại là một số loại thức ăn nhập hàng không có; thiếu lao động công nhật; xe vận chuyển thức ăn không đến tận khu vực nuôi tôm, do kẹt chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh.

Đồng chí Lâm Văn Mẫn cho rằng, việc sản xuất, tiêu thụ tôm tại doanh nghiệp và hộ nuôi khá ổn định. Qua đó đề nghị lãnh đạo UBND huyện Trần Đề trong công tác chỉ đạo, điều hành phải vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa đảm bảo sản xuất cho người dân. Theo dự báo thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ tôm tăng nên doanh nghiệp và hộ nuôi tôm cần có sự tính toán phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp để cung ứng nguồn tôm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, đặc biệt hộ nuôi nên nắm bắt thông tin thị trường, đánh giá tác động môi trường, tiềm năng tiêu thụ thông qua ngành chuyên môn nhằm triển khai việc thả nuôi tôm hợp lý, đảm bảo lợi nhuận tốt sau thu hoạch…

Dịp này, đoàn đã đến thăm chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại huyện Trần Đề. Tại đây, đồng chí Lâm Văn Mẫn đánh giá cao tinh thần làm việc của các lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt và mong muốn các đồng chí tiếp tục thực hiện tốt công việc được giao, để bảo vệ tốt sức khỏe cộng đồng.

(Theo báo Sóc Trăng)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục