Doanh nghiệp phải cạnh tranh với tư thương mua tôm oxy

Nghịch lý của thị trường tôm hiện nay là giá xuất khẩu giảm nhưng giá trong nước tăng vì thiếu nguyên liệu và doanh nghiệp phải cạnh tranh với tư thương mua tôm tươi sống.

Ngày 30/1, nhiều tư thương đến các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) và TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) để tìm mua tôm sú, tôm thẻ tươi sống. Tôm này sau khi kéo lên khỏi ao sẽ được chuyển vào các bồn nhựa loại lớn có hệ thống oxy để xe tải chở đi các tỉnh phía Bắc tiêu thụ.

Thị trường trong nước biến động mạnh

Tại huyện Trần Đề vào trưa cùng ngày, Công ty TNHH Thủy sản Tấn Phát cho công nhân kéo 10 tấn tôm thẻ loại 50 con/kg được nông dân thị trấn Trần Đề nuôi trong một ao rộng 6.000 m2. Được doanh nghiệp mua tôm tươi sống với giá 132.000 đồng/kg, trừ chi phí người nuôi thu lãi 600 triệu đồng.

Ông Lưu Trường Giang, đại diện kinh doanh của Công ty TNHH Thủy sản Tấn Phát, cho biết tùy theo kích cỡ, tôm tươi sống giá cao hơn tôm ướp nước đá 5.000-10.000 đồng/kg.

 

Chú thích ảnh

Doanh nghiệp mua tôm thẻ tươi sống tại huyện Trần Đề, Sóc Trăng.

Theo ông Giang, giá tôm ướp đá loại 20 con/kg giá 280.000 đồng, loại 25 con giá 220.000 đồng, 30 con 185.000 đồng, 80 con 106.000, 100 con 92.000 đồng. Trong đó, tôm 20 con/kg nếu người nuôi bán được cho doanh nghiệp mua theo hình thức oxy thì giá đến 290.000 đồng.

“Giá tôm dự kiến tăng mạnh và sớm hơn dự kiến. Vài hôm nữa, tùy theo kích cỡ mà giá tôm sẽ tăng thêm 10.000-25.000 đồng/kg”, ông Giang chia sẻ.

Trước tình hình biến động mạnh của giá tôm, nhiều nông dân ven biển Sóc Trăng và Bạc Liêu đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao để thả giống. Tuy nhiên, độ mặn trên các sông ven biển chưa cao nên lịch thả giống của nhiều người phải lùi lại thêm 2-3 tuần (dự kiến cuối tháng 2/2023).

Tại vùng nuôi tôm quảng canh của huyện Phước Long (Bạc Liêu), tư thương Lê Văn Dũng ở xã Phước Long cho biết tôm sú tươi sống loại 20 con/kg giá 320.000 đồng, 30 con 260.000 đồng, 50 con 150.000 đồng.

Theo ông Dũng, tôm sú và tôm thẻ đều được doanh nghiệp mua oxy để cung ứng cho thị trường các tỉnh phía Bắc. Do sản lượng tôm đến kỳ thu hoạch trong dân ít nhưng nhu cầu của thị trường nội địa tăng cao từ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão đã đẩy giá loại thủy sản này tăng vọt.

“Tôm ướp đá giá rẻ hơn tôm oxy 40.000 đồng/kg nên nông dân chọn tôm kích cỡ lớn để bán oxy nhằm thu lãi cao. Chưa bao giờ giá tôm tăng mạnh như hiện nay”, ông Dũng nói.

Giá tôm thế giới giảm

Trái ngược với sự nhộn nhịp của thị trường tôm tươi sống là không khí ảm đạm của nhiều nhà máy không mua được nguyên liệu để sản xuất trả nợ cho các đơn hàng cũ của năm 2022. Trong khi đó, giá tôm xuất khẩu của thị trường thế giới đang giảm nhưng giá nguyên liệu trong nước tăng cao khiến doanh nghiệp lỗ vốn.

Nói với Zing, ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, cho biết đã có doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu tôm với giá thấp để duy trì hoạt động của nhà máy. Theo ông Phục, lượng tôm được người nuôi thu hoạch rất ít nhưng nhiều tư thương đổ xô mua tôm tươi sống với giá cao để cung ứng cho thị trường các tỉnh phía bắc khiến doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu khó cạnh tranh.

“Giá tôm thế giới giảm 15-20% so với năm 2022, trong khi chúng tôi phải gồng mình cạnh tranh với những đơn vị mua tôm oxy. Nhiều nhà máy đang gồng gánh lỗ để duy trì hoạt động. Lượng tôm vào nhà máy hiện nay giảm 40-60% vì các doanh nghiệp mua tôm không có. Cuối năm 2022 tôm trong nước giảm sản lượng, nông dân thất thu nên không có nhiều để doanh nghiệp trữ nguyên liệu”, ông Phục chia sẻ.

Theo ông Phục, các nhà máy thủy sản có vùng nuôi riêng nhưng chỉ đáp ứng 20-30% nhu cầu sản xuất. Vì vậy, khi sản lượng tôm ít như hiện nay, doanh nghiệp mua tôm loại 25 con/kg với giá 245.000 đồng, 30 con giá 188.000 đồng, tăng 30.000-40.000 đồng so với lúc tôm thu hoạch chính vụ.

“Để duy trì hoạt động, một số nhà máy có nguồn tài chính mạnh đã bán tôm ra thị trường với giá 130.000-140.000 đồng/kg, nhưng mua vào đến 188.000 đồng”, lãnh đạo Thủy sản sạch Việt Nam khẳng định.

Ông Trần Văn Diệu, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Thái Minh Long (Giá Rai, Bạc Liêu), nói rằng doanh nghiệp chưa ký hợp đồng xuất khẩu mới vì giá tôm đối tác đưa ra thấp. Hiện, Công ty Thái Minh Long sản xuất tôm cho các hợp đồng xuất khẩu còn lại của năm 2022, hợp đồng mới cần phải đàm phán thêm.

“Chúng tôi chưa chốt được mục tiêu dài hạn vì phải xem thị trường giằng co thế nào để đưa ra mục tiêu mới là làm những sản phẩm nào, chủ lực là gì và thị trường nào. Có thể 10-15 ngày nữa chúng tôi mới định hướng được những việc của năm 2023”, ông Diệu chia sẻ.

Lý giải về việc các nhà máy không có đơn hàng xuất khẩu mới vào đầu năm, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nói rằng nhu cầu tiêu thụ tôm của thế giới chưa phục hồi. Các nước đang giải quyết những vấn đề liên quan đến lạm phát, tỷ giá… nên nhu cầu tiêu thụ tôm đang giảm.

“Khi thị trường tiêu thụ tôm của thế giới phục hồi thì các doanh nghiệp mới có đơn hàng để xuất khẩu, còn hiện nay đang khó”, Tổng thư ký VASEP nói.

Bảo Ngọc (Theo Zing news)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục