"Mở lối" cho nông thủy sản xuất khẩu bền vững qua cửa khẩu

Xuất khẩu nông thủy sản bắt đầu gặp khó vào tháng 8 khi dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng mạnh đến chuỗi cung ứng. Tháo gỡ khó khăn tại khu vực cửa khẩu là một trong những giải pháp được nhiều địa phương kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nhóm hàng này.

Gỡ khó cho các cửa khẩu

Kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt được tốc độ tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh trọng điểm về nông nghiệp phía nam, đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất, thu hoạch, xuất khẩu nhiều nông sản có dấu hiệu sụt giảm. Tháng 8, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8/2020.

Mở lối cho nông thủy sản xuất khẩu bền vững qua cửa khẩu
Xuất khẩu qua cửa khẩu gặp khó vì giao dịch chủ yếu đang triển khai theo hình thức "trao đổi cư dân"

Do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các bộ, địa phương, hiệp hội cho rằng, mục tiêu xuất khẩu nông sản cả năm 2021 khoảng 44 tỷ USD như kế hoạch đặt ra là một thách thức rất lớn. Trong đó, điều cần thiết hiện nay là giải quyết khó khăn trong thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu.

Đơn cử, tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra mới đây, một số ý kiến phản ánh các khó khăn trong xuất khẩu sang các thị trường, trong đó có Trung Quốc, khi hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn của các nước nói chung và Trung Quốc nói riêng ngày càng cao. Một số quy định mới về nhập khẩu nông sản của phía Trung Quốc áp dụng từ 1/1/2022 có thể sẽ tác động đến sản xuất và tiêu thụ nông sản của Việt Nam. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu container rỗng, tăng giá cước vận tải đã tác động lớn đến xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU, Đông Bắc Á cũng như nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ xuất khẩu.

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện chỉ có 4/12 cửa khẩu của Lạng Sơn hoạt động và đã bắt đầu có tình trạng ùn ứ trong khi lượng hàng hóa tiếp tục dồn về, tạo áp lực rất lớn cho địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị các tỉnh, thành phố có hàng nông sản lưu thông đến các cửa khẩu của Lạng Sơn chủ động thông báo cho doanh nghiệp để cơ cấu lại hàng hóa, tránh ùn ứ. Ông Hồ Tiến Thiệu cũng đề nghị các tỉnh hoàn thành việc tiêm vaccine cho lái xe chở nông sản để bảo đảm an toàn lưu thông, an toàn phòng chống dịch cho tỉnh Lạng Sơn.

Đại diện tỉnh Lai Châu cũng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục trao đổi với cơ quan chức năng phía Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng (Việt Nam) - Kim Thủy Hà (Trung Quốc) nhằm tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam nói chung, của tỉnh Lai Châu nói riêng. Đồng thời đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao kiến nghị Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam -

Trung Quốc tăng cường đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc chỉ định cửa khẩu Kim Thủy Hà, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam là cửa khẩu được nhập khẩu các mặt hàng trái cây, rau quả tươi, lương thực và thủy sản của Việt Nam.

Còn đại diện tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ Công Thương tăng cường trao đổi với phía tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tạo điều kiện thông quan trở lại các mặt hàng trái cây tươi qua cửa khẩu Lào Cai bởi hiện tại, các mặt hàng trái cây tươi, trong đó có quả thanh long vẫn thực hiện thông quan bình thường tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Quảng Ninh, tại Lào Cai mới chỉ thông quan lại mặt hàng quả chuối tươi.

Phải chuyển mạnh sang chính ngạch

Trước những kiến nghị này, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, Bộ đã liên tục đưa nội dung tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là việc thông quan tại các cửa khẩu biên giới đất liền (nâng cấp các cửa khẩu song phương, tăng cửa khẩu chỉ định nông sản, thực phẩm, nâng cao năng lực thông quan…) vào các nội dung trao đổi với các cơ quan chức năng của Trung Quốc như Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan, Chính quyền Quảng Tây, Vân Nam tại các thư trao đổi của Bộ trưởng và điện đàm hoặc hội đàm trực tuyến với Lãnh đạo của các các đối tác. Bộ Công Thương cũng đã đưa nội dung này vào các cơ chế hợp tác song phương như Ủy ban chỉ đạo song phương 13, Nhóm công tác hợp tác thương mại Việt Nam Trung Quốc lần thứ 9 và đã cụ thể hóa trong Bản ghi nhớ về Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2021-2025 giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng khẳng định, dịch Covid-19 và các biện pháp phòng chống Covid ở cả 2 bên biên giới Việt - Trung đã làm bộc lộ toàn bộ những bất cập của xuất khẩu nông thủy sản theo hình thức “trao đổi cư dân”.

Hàng hóa trao đổi theo hình thức cư dân thường là theo thỏa thuận miệng, không có hợp đồng với các điều khoản chặt chẽ về quy cách hàng hóa, điều kiện giao hàng… và chủ yếu xuất khẩu qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới để vào các chợ đường biên. Do là buôn bán tại chợ nên việc quản lý chợ hoàn toàn tùy thuộc vào chính quyền địa phương của Trung Quốc, không thể can thiệp theo hiệp định quốc tế hay thông lệ quốc tế. Chợ có thể đóng, có thể mở, lúc cho nhập hàng ban ngày, lúc cho nhập hàng ban đêm dẫn đến bị động và rủi ro lớn cho các loại nông thủy sản xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân.“Bộ Công Thương đã nhiều năm nay kêu gọi các doanh nghiệp thay đổi, chuyển nhanh và chuyển mạnh sang xuất khẩu chính quy, theo hợp đồng với các điều khoản rõ ràng. Tuy nhiên, sự chuyển biến là rất chậm. Do đó Bộ Công Thương kêu gọi thương nhân, doanh nghiệp Việt Nam chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch để bảo đảm tiêu thụ nông thủy sản cho nông dân ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh.

(Theo báo Công Thương)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục