Khánh Hoà: Nhà tuyển dụng đau đầu về chất lượng công nhân

Câu chuyện lao động tạm thời, chất lượng lao động và tỷ lệ nhảy việc cao đang khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu.

Khánh Hoà Nhà tuyển dụng đau đầu về chất lượng công nhân

10% lao động tuyển chưa có tay nghề

“Liên hệ phỏng vấn, đi làm ngay”, “Người mới được đào tạo tay nghề có lương học việc”... đó là những câu chào mời của rất nhiều doanh nghiệp các lĩnh vực chế biến thủy sản, may mặc... trên địa bàn Khánh Hòa.

Trên trang Fanpage của Hải Vương Group chuyên về chế biến thủy từ đầu năm đến nay liên tục tuyển dụng. Ngoài thông tin về quyền lợi và phúc lợi công ty dành cho người lao động, công ty còn tuyển dụng cả lao động chưa có tay nghề.

Người mới được đào tạo tay nghề, lương ngày 300.000 đồng đến 400.000 đồng, chưa kể làm ở một số bộ phận đặc thù được thưởng thêm 100.000 đồng. Công ty đi đến tận các xã trên địa bàn thị xã Ninh Hòa để tuyển dụng, nhưng đến nay vẫn chưa tuyển đủ 300 lao động đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất.

Đại diện tuyển dụng một công ty may lớn tại Khu công nghiệp Suối Dầu cũng chia sẻ: “Chúng tôi tuyển 500 lao động nhưng đến nay mới chỉ tuyển được 200. Tuyển từ chưa biết may đi học có lương đến có tay nghề nhưng lao động đăng ký vào rồi duy trì ký hợp đồng làm việc cũng chỉ được 50%. Thậm chí đưa ra mức lương cơ bản, lương sản phẩm, thưởng chuyên cần, thưởng mùa cao điểm... nhưng nhiều lao động không mặn mà”.

Chị Nguyễn Thị Loan, trú Phường Phước Hải, thành phố Nha Trang, đi làm công nhân được 2 năm qua. Chị Loan cho biết, trước đây công việc chính của chị là nhân viên thị trường, dịch nên chị phải nghỉ chuyển sang xin làm công nhân công ty may. Lúc đi phỏng vấn chị khá ngần ngại vì mình không có kinh nghiệm lại lớn tuổi và mức thu nhập của chỉ bằng 40% so với trước đây.

Nhưng khi vào làm chị mới thấy, thời gian công nhân đi làm 12-13 giờ/ ngày dù thu nhập ổn định nhưng không cao, áp lực nên lao động trẻ sẽ dễ nhảy việc để kiếm nơi làm phù hợp với thu nhập và chế độ tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Trưởng phòng Hành chính Nhân sự Cty TNHH Komega-X cho biết: “Từ đầu năm đến nay công ty tuyển mới 200 lao động. Việc tuyển dụng không gặp khó khăn, số hồ sơ tham gia ứng tuyển đông. Tuy nhiên 10% trong số lao động ứng tuyển phải đào tạo từ đầu. Tình trạng lao động nhảy việc từ công ty này qua công ty khác cũng nhiều một phần do chế độ đãi ngộ của mỗi doanh nghiệp. Hiện công ty đang có gần 1.400 lao động và vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng thêm”.

Luôn phải dự phòng lao động

Chị Nguyễn Thị Phương, trú tại huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa vừa tham gia tuyển dụng tại một công ty chế biến thủy sản ở Khu Công nghiệp Suối Dầu ở huyện Cam Lâm, Khánh Hòa.

Trước dịch, chị Phương làm tại một khu du lịch với thu nhập từ 10-12 triệu, nhưng ảnh hưởng dịch nên công ty thanh lý hợp đồng. Gần 2 năm chưa tìm được nơi làm việc theo nghề cũ, chị Phương quyết định xin đi làm công nhân.

“Tôi vào tuyển dụng bộ phận hấp, lương mới vào tầm 4-5 triệu, nhưng làm 1 ngày tôi đứng không được nên đành xin chuyển bộ phận khác. Tôi xác định làm tạm thời chờ du lịch phục hồi trở lại thì làm đúng nghề trước đây chứ với áp lực việc và thu nhập thế này tôi nghĩ mình không đủ sức để gắn bó”, chị Phương chia sẻ.

Tâm lý lao động làm tạm trong khi chờ việc cũ phục hồi trở lại cộng với lao động bị nhiễm COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải lên phương án lao động dự phòng. Ông Đoàn Ngọc Cứ, Phụ trách Nhân sự Công ty TNHH Tín Thịnh cho biết: “Công ty có gần 200 lao động, trong đó có 50 lao động thời vụ. Số lao động này không tăng ca và bổ sung vào những khâu cần. Đây cũng là nguồn lao động dự phòng”.

Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp tại Khánh Hòa việc tuyển dụng lao động sản xuất không còn tình trạng tuyển không ra hay phải đi đến các vùng sâu vùng xa tuyển lao động đồng bào. Tuy nhiên chất lượng lao động không cao, nhu cầu tuyển dụng nhiều nên lao động khá chọn lựa. Vì vậy cùng với việc ứng phó lao động phải nghỉ vì dịch thì giải pháp lao động dự phòng, thời vụ vẫn đang được các doanh nghiệp xem như "cứu cánh".

Để đáp ứng nhu cầu lao động phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch, thời gian quan Trung Tâm dịch vụ việc làm Khánh Hòa tăng cường kết nối cung cầu thông qua ứng dụng công nghệ. Thông qua ứng dụng Zoom Cloud Meetings, Zalo, Facebook... việc kết nối người lao động với nhà tuyển dụng để tìm kiếm việc làm và người làm phù hợp.

Đây cũng là giải pháp được ngành Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa kỳ vọng sẽ tiết giảm được chi phí, thời gian cho các bên.

Cùng với đó Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ kết nối thị trường việc làm điện tử liên tỉnh thông qua các phần mềm, ứng dụng để tuyển dụng, thu hút lao động đến làm việc trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho doanh nghiệp, nhất là lao động kỹ thuật, tay nghề cao.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục