Thương vụ Việt Nam tại Úc cho hay, Bộ Nông nghiệp Úc vừa đưa ra thông báo về việc giới thiệu chương trình kiểm soát biên giới về kiểm tra và phân tích đối với việc xử lý carbon monoxide (CO) trong cá ngừ.
Chương trình kiểm soát mới này dự kiến sẽ được triển khai vào tháng 11 tới. Theo đó, kể từ ngày bắt đầu triển khai, Bộ Nông nghiệp Úc sẽ đưa cá ngừ nhập khẩu vào kiểm tra và phân tích theo chương trình kiểm soát thực phẩm nhập khẩu (IFIS) với mức tỷ lệ giám sát là 5% để đánh giá sự tuân thủ các điều kiện.
Cụ thể, chỉ cá ngừ xuất khẩu có tỷ lệ CO dưới 200 µg/kg sẽ được chấp thuận nhập khẩu vào Úc. Cùng đó, sản phẩm cần phải được xác định rõ ràng rằng đã được hun khói. Nếu không, sản phẩm sẽ được coi là không đáp ứng điều kiện.
Với các tiêu chí mới này, Bộ Công thương lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu vào Úc cần lưu ý để đáp ứng yêu cầu của đối tác. Số liệu thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa của Việt Nam hiện có 2.372 tàu khai thác cá ngừ đại dương, chủ yếu là khai thác cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to và cá ngừ vằn, với tổng sản lượng năm 2016 đạt hơn 92.000 tấn.
Hiện có 15 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương xuất khẩu sang 138 thị trường thế giới. Thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất Mỹ, tiếp đến là Liên minh Châu Âu - EU, Thái Lan, Israel, Nhật Bản…
Cá ngừ đại dương được chế biến đa dạng về sản phẩm gồm: cá ngừ đông lạnh nguyên con, chế biến đông lạnh, hấp chín đông lạnh, đồ hộp.
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sàn Việt Nam (VASEP), năm 2017, xuất khẩu (XK) cá ngừ đạt 592,8 triệu USD, tăng 16,3% so với năm trước. Hầu hết giá trị XK sang các thị trường lớn đều tăng trưởng dương, ngoại trừ 3 thị trường là Italy, Thái Lan và Trung Quốc.
(Theo báo Tiền Phong)