“Khủng hoảng” container khiến chi phí vận chuyển cá ngừ tăng vọt

(vasep.com.vn) Sự thiếu hụt chuỗi cung ứng container toàn cầu đang khiến các nhà xuất khẩu cá ngừ lo ngại vì phí vận chuyển tăng vọt.

Ông Chanin Chalisaraphong, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Thái Lan cho biết, tổ chức này hy vọng xuất khẩu cá ngừ của Thái Lan sẽ tăng trưởng ít nhất 5% khi các đơn đặt hàng đang đến thời điểm giao hàng trong quý 1/2021. Ông cũng dự đoán rằng giá trị xuất khẩu cá ngừ của nước này sẽ tăng từ 77 tỷ THB (tương đương 2,5 tỷ USD) trong năm 2020 lên 80 tỷ THB (tương đương 2,6 tỷ USD) trong năm nay. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng container hiện này có thể khiến Thái Lan không đạt được mục tiêu này.

Vấn đề lớn nhất mà các nhà XK đang phải đối mặt hiện nay là container không đủ, vì hàng nghìn container đang bị mắc kẹt Mỹ và Châu Âu do các biện pháp hạn chế phòng ngừa Covid-19. Các container đã về đúng hạn lại đang ở Trung Quốc. Hiệp hội này đang kêu gọi Bộ Thương mại và Giao thông vận tải Thái Lan phối hợp với các cơ quan chức năng nước ngoài để gửi lại các container của họ càng sớm càng tốt.

Các nhà XK đối mặt với chi phí vận chuyển tăng vọt

Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hải Vương (HAVUCO), giá một container 20ft hiện tại ở mức từ 7.000 – 8.000 USD, cao gấp 3-4 lần giá thông thường. Công ty này thường XK cá ngừ đóng hộp (và các sản phẩm cá ngừ khác) sang các thị trường như Trung Đông, Châu Phi, EU, Canada, và Mỹ. Với tình hình khủng hoảng container như hiện nay, công ty này đang phải đối mặt với tình trạng giao hàng trễ và bù lỗ cước vận chuyển. Đã có lúc, công ty chấp nhận giá cước cao nhưng sau đó vẫn không có container để giao hàng.

Một công ty sản xuất cá ngừ đóng hộp khác cho biết công ty họ đang đối mặt với chi phí tăng gấp 3 lần so với tháng 11. Hiện tại, chi phí cho một container 20ft chứa đầy hàng (FCL) vận chuyển tới EU là khoảng 6.000 USD. Về cơ bản, chi phí vận chuyển cuối cùng cho các doanh nghiệp hiện tại ở mức 0,07 USD/hộp 185 gr và khoảng 3,3 USD/thùng. Việc thiếu container cũng đã khiến công ty này chậm trễ trong việc giao hàng và có thể phải mất vài tháng trước khi lấy lại được cân bằng.

Một thương nhân tại thị trường Đức cho biết tình hình hiện tại là một thảm hoạ và có một sự thay đổi lớn trong việc xếp hàng lên tàu và sự chậm trễ này một phần là do các chuyến tàu bị bỏ trống.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành cá ngừ đang phải đối mặt với khoản lỗ hàng triệu USD và điều này là do chi phí vận chuyển thông thường đã tăng theo cấp số nhân kể từ cuối năm ngoái. Cước phí thông thường đối với container 20ft khô (FCL) từ Châu Á sang các nước phương Tây thường từ 700 USD – 1.000 USD. Tuy nhiên, con số này đã tăng gấp đôi trong tháng 12 lên khoảng 2.500 – 3.000 USD. Và sang tháng 1, số tiền này đã tăng lên 4.700 – 5.200 USD.

Theo mức giá thông thường 1.000 USD, chi phí vận chuyển 1 container 20ft FCL (tương đương 1.750 thùng) sang EU là 0,01 USD/hộp 200 gr/7 oz và 0,57 USD/thùng.

Tuy nhiên, sang tháng 1, mức chi phí này đã tăng lên 0,06 USD/hộp và khoảng 2,88 USD/thùng. Còn chi phí vận chuyển sang tới Mỹ, một hộp 5oZ (tương đương 145gr) hiện đang đắt hơn 0,04 USD/hộp và 2 USD/thùng so với giá vận chuyển thông thường.

Tuy nhiên, các thị trường đang có lượng hàng tồn kho ở mức cao nên không có tình trạng nguồn cung nguyên liệu khan hiếm, nhưng dự kiến tình trạng này sẽ thay đổi trong quý 2.

Cuộc khủng hoảng container hiện nay có vẻ sẽ không giảm bớt và các nhà XK sẽ phải vượt qua làn sóng tăng giá này.

Câu hỏi đặt ra là ai là người gánh vác các lô hàng đã ký hợp đồng trước khi cuộc khủng hoảng container xảy ra? Điều này được xác định thông qua thoả thuận về incoterm trong hợp đồng. Tại Mỹ, theo thông lệ các nhà NK mua hàng theo giá FOB (giao hàng lên tàu), trong trường hợp này, họ là người bị thiệt hại. Còn tại Châu Âu, các nhà NK lại thường mua theo giá CFR (tiền hàng cộng tiền cước). Theo đó, các giao dịch theo gái CFR sẽ khiến các nhà XK phải chịu thiệt.

Chia sẻ:


Nguyễn Hà
Chuyên gia thị trường Cá ngừ
Email: vanha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 216

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục