Nông nghiệp Bình Định, một năm thắng lớn

Chiều 23/10, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị tổng kết SX nông nghiệp năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Hội nghị cho thấy trong năm 2019, dù thiên tai liên tiếp xảy ra, nhưng ngành nông nghiệp Bình Định đã vượt qua khó khăn, đạt được thắng lợi toàn diện.

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, trong năm 2019, tỉnh này gieo trồng 101.334ha lúa, giảm 2.294ha so với năm 2018. Bước vào vụ ĐX 2018 - 2019, hai đợt mưa lớn liên tiếp xảy ra gây ngập úng, làm thiệt hại nhiều diện tích lúa và rau màu mới gieo trồng. Tiếp đến vụ hè thu hạn hán gay gắt kéo dài suốt nhiều tháng liền, nhiều diện tích thiếu nước tưới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất.

Tuy nhiên, nhờ dự báo trước những khó khăn trong bối cảnh thời tiết diễn biến phức tạp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định đã kịp thời chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các địa phương có các giải pháp linh hoạt trong tổ chức SX, phù hợp với thực tiễn, nhất là kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ, hạn hán, nhờ đó SX nông nghiệp ở Bình Định đã có 1 năm thắng lớn.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết năng suất lúa bình quân cả năm 2019 ở Bình Định ước đạt 64,7 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha so với cùng kỳ, sản lượng lúa ước đạt 656.063 tấn. Lý do là nhờ ngành nông nghiệp đề ra lịch thời vụ phù hợp. Nhất là trong vụ hè thu, dự báo được hạn hán và tình hình thiếu nước tưới nên Bình Định đã bố trí gieo sạ sớm hơn mọi năm từ 5 - 10 ngày, hạn chế được thiệt hại.

“Thời vụ gieo sạ lúa ở Bình Định sớm hơn so với các tỉnh lân cận như Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam từ 10 - 15 ngày. Thực tế cho thấy, nếu gieo sạ muộn vụ ĐX thì sẽ hạn chế được rủi ro do mưa lũ đầu vụ, nhưng đến vụ hè thu khi lúa trỗ thì sẽ gặp nắng nóng gay gắt, thêm vào đó thu hoạch muộn thường gặp mưa gió, cây lúa sẽ ngã đổ, ảnh hưởng năng suất và tốn công thu hoạch. Như vậy, phương án đẩy sớm lịch thời vụ ở Bình Định đã cho thấy hiệu quả”, ông Hổ chia sẻ.

Trong năm 2019, Bình Định cũng đã đẩy mạnh xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Sở NN-PTNT Bình Định đã xây dựng kế hoạch và hỗ trợ cho 15 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào SX cây trồng an toàn theo hướng VietGAP, công nghệ tưới bán tự động, công nghệ thâm canh lúa SRI và quản lý cây trồng tổng hợp.

Về SX rau hữu cơ, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ cho Cty Kei’ Bình Định thực hiện trồng thử nghiệm rau hữu cơ theo công nghệ Nhật tại xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn). Hiện diện tích rồng rau hữu cơ đã đạt 7.100m2 với 23 chủng loại rau. Cty Kei’ Bình Định đang dự kiến mở rộng nông trại trồng rau quả ôn đới tại xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh).

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân ở Bình Định đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, trang trại ứng dụng công nghệ cao như: Trồng rau thủy canh ở huyện Tuy Phước; trồng dưa lưới trong nhà màng ở TX An Nhơn; trồng bưởi da xanh, dừa diêm, mít Thái theo tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn; SX rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở các huyện Tuy Phước, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, TX An Nhơn; áp dụng tưới tiết kiệm bằng công nghệ minipan trong SX lạc và xoài ở huyện Phù Cát.

Về chăn nuôi, năm nay Bình Định cũng bị dịch tả heo Châu Phi “khuấy đảo” như nhiều địa phương khác, nhưng giá trị SX chăn nuôi trong 9 tháng đầu năm 2019 tăng được 2% so cùng kỳ; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tăng 8,4%, thịt gà hơi tăng hơn 10,9%, thịt heo hơi xấp xỉ bằng năm 2018.

Giá trị SX ngành thủy sản 9 tháng đầu năm 2019 cũng có sự tăng trưởng ngoạn mục, tăng 6,2% so cùng kỳ; trong đó khai thác thủy sản tăng 6,4% và nuôi trồng thủy sản tăng 4,6%. Sản lượng nuôi trồng ước đạt hơn 8,402 tấn, tăng 6,1% so cùng kỳ; sản lượng khai thác ước đạt hơn 212.031 tấn, tăng 5,2% so cùng kỳ, trong đó sản lượng cá ngừ đại dương đạt 9.100 tấn, tăng 2,5% so cùng kỳ.

Vụ ĐX 2019 - 2020 sắp tới, theo kế hoạch Bình Định sẽ SX 65.355ha cây trồng; trong đó có 48.476ha lúa và 16.879ha cây màu. Theo kế hoạch, các công trình thủy lợi sẽ đảm bảo tưới cho 49.020ha, 16.135ha còn lại do nông dân tự tưới hoặc hưởng nước trời.

Tuy nhiên, hiện nay mực nước trong các hồ chứa còn thấp, bên cạnh đó diễn biến của thời tiết đang rất thất thường, nên không hy vọng từ nay đến cuối năm 2019 lượng mưa xảy ra sẽ làm đầy các hồ chứa, nên các vụ SX trong năm 2020 trên địa bàn Bình Định có nguy cơ bị thiếu nước tưới.

Do đó, ngay từ bây giờ, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm kê nguồn nước, xây dựng kế hoạch tưới cho từng công trình cụ thể; bố trí cơ cấu SX, mùa vụ, lịch thời vụ phù hợp; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích thường bị ngập úng vào đầu vụ và thiếu nước vào cuối vụ ĐX hàng năm.  

"Trong thời gian tới, ngành chăn nuôi tiếp tục tăng cường phòng chống dịch tả lợn châu Phi; làm tốt công tác tiêu độc sát trùng, quản lý việc tăng đàn heo tại các địa phương theo hướng an toàn sinh học, để vừa hướng ngành chăn nuôi đi theo hướng bền vững, vừa tăng đàn heo đủ số lượng cung ứng cho thị trường vào dịp cuối năm".

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định

 (Theo NNVN)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục