(vasep.com.vn) Doanh số bán tôm tại phân khúc dịch vụ thực phẩm tại Mỹ năm 2021 phục hồi sau khi giảm mạnh năm 2020 do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.
Trong khi tổng doanh số chưa bằng được năm 2019 nhưng nhu cầu đã tăng đối với các sản phẩm tôm cỡ lớn và dễ chế biến, theo thông tin được chia sẻ tại Diễn đàn Thị trường Thủy sản Thế giới diễn ra tháng 1/2022.
Gần 275 triệu pao tôm đã được bán vào các kênh dịch vụ thực phẩm năm 2021, tăng 50 triệu pao so với năm 2020 với các nhà hàng nổi tiếng phong cách Mexico, Tây Ban Nha và Mỹ Latinh. Tổng doanh số thấp hơn 6 triệu pao so với năm 2019 tuy nhiên nhu cầu các sản phẩm nhất định vẫn tăng do áp lực lao động và lạm phát giá đã làm tăng nhu cầu.
Theo Tập đoàn Thực phẩm Performance, nhu cầu tôm cỡ lớn như 12 con/kg và 26-30 con/kg tại phân khúc dịch vụ thực phẩm tăng.
Theo dữ liệu của NPD SupplyTrack, doanh số bán tôm cỡ 26-30 con/kg tăng 12% so với năm 2019, tăng trên 5 triệu pao. Tôm cỡ lớn hơn 21-25 con và 16-20 con cũng tăng so với năm 2019. Tôm cỡ 21-25 con tăng 3,18 triệu pao, tương đương mức tăng 7% và doanh số bán tôm cỡ 16-20 con/kg tăng 1,85 triệu pao, tăng 4%.
Tôm cỡ lớn, chủ yếu là tôm dễ bóc vỏ (EZ Peel) tăng mạnh về doanh số trong năm 2021 so với năm 2019, tăng 9%, tương đương 1,4 triệu pao.
Doanh số bán tôm dễ chế biến trong năm 2021 tăng so với năm 2019 trong khi doanh số bán tôm yêu cầu nhiều bước chế biến hơn lại giảm. Doanh số tôm bóc vỏ, bỏ đuôi, rút chỉ lưng tăng 1% so với năm 2019 trong khi doanh số tôm bóc vỏ, để đuôi, bỏ chỉ lưng giảm 5%. Tôm còn vỏ, bỏ đầu giảm mạnh nhất 10% so với năm 2019.
3 loại tôm cỡ lớn 26-30 con, 21-25 con, và 16-20 con/kg chiếm 55% tổng số các mặt hàng tôm được bán cho lĩnh vực dịch vụ thực phẩm năm 2021. Trong khi tôm cỡ nhỏ hơn giảm thị phần. Doanh số bán tôm cỡ nhỏ 31-40 con và nhỏ hơn giảm 14 triệu pao, tương đương 12%. Giá tôm năm 2021 tăng 14% so với năm 2019.
Xu hướng này trái ngược so với một vài năm gần đây. Thông thường, khi giá tôm tăng thì người tiêu dùng thường giảm mua tôm cỡ lớn.
Giá các loài cao cấp khác tăng thúc đẩy người tiêu dùng và các nhà hàng tăng nhu cầu với tôm cỡ lớn. Trong khi giá tôm tăng 14% trong năm 2021 so với năm 2019, giá các mặt hàng khác như sò điệp, tôm hùm và cua tăng cao hơn. Giá sò điệp tăng 41%, tôm hùm tăng 56% và cua tăng 68%.
Mặc dù giá tôm cỡ lớn cao hơn so với 2 năm trước đây nhưng giá mặt hàng này vẫn khá rẻ so với các mặt hàng thủy sản có vỏ cao cấp khác. Khi khách hàng chọn thực đơn cho những dịp đặc biệt, tôm cỡ lớn là một sự lựa chọn phổ biến.
Để nắm bắt toàn cảnh bức tranh sản xuất và xuất khẩu tôm Việt Nam trong nước và xu hướng trên thị trường thế giới từ năm 2016 đến 2021, xin mời Quý độc giả tham khảo Báo cáo ngành hàng tôm 2016 - 2021, dự báo tới 2025