Phát triển bền vững nghề nuôi tôm nước lợ

Bên cạnh cây lúa, con tôm được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Sóc Trăng. Chính vì vậy, trong những năm qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất chú trọng phát triển ngành nuôi tôm nước lợ bằng việc áp dụng nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, ASC nhằm nâng cao năng suất, chất lượng tôm nuôi và để tạo đầu ra ổn định cho con tôm nuôi nước lợ, ngành chuyên môn đã hỗ trợ hộ dân trong khâu liên kết tiêu thụ tôm với các công ty, doanh nghiệp…

Liên kết trong nuôi tôm nước lợ

Là địa phương phát triển nghề nuôi tôm nước lợ khá sớm, TX. Vĩnh Châu có hàng chục tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) được hình thành nhằm liên kết hộ nuôi tôm, tạo ra sản lượng lớn và chất lượng liên kết với công ty, doanh nghiệp tiêu thụ tôm nước lợ sau khi thu hoạch. HTX Thủy sản Toàn Thắng, xã Vĩnh Hiệp (TX. Vĩnh Châu) là một trong những HTX “ăn nên làm ra” chính nhờ khâu liên kết đầu vào, đầu ra trong việc nuôi tôm. Giám đốc HTX Thủy sản Toàn Thắng Phạm Văn Mừng cho biết: “HTX có tổng số 50 thành viên, diện tích nuôi tôm hơn 76ha. Để diện tích nuôi tôm hàng năm của HTX đảm bảo sản lượng như kế hoạch đề ra, HTX liên kết cùng các công ty mua tôm giống, thức ăn thủy sản phục vụ cho quá trình nuôi của các thành viên, nhờ đó giá giảm hơn so với mua ngoài thị trường 20% trở lên. Kèm theo đó công ty còn chiết khấu phần trăm lại cho HTX. Đồng thời, tôm sau thu hoạch được các công ty ký kết hợp đồng thu mua tôm nguyên liệu xuất khẩu, bởi tôm được HTX sản xuất theo quy trình VietGAP, ASC. Chính vì vậy, tôm do HTX nuôi được doanh nghiệp thu mua giá cao, doanh nghiệp hỗ trợ luôn HTX duy trì đánh giá chứng nhận ASC và hỗ trợ thêm tiền cho HTX bởi sản xuất tôm đạt tiêu chuẩn. Thông qua khâu liên kết đầu vào, đầu ra của con tôm thương phẩm sau thu hoạch, HTX yên tâm sản xuất, lợi nhuận được đảm bảo…”.

Phát triển bền vững nghề nuôi tôm nước lợ
Nuôi tôm công nghệ cao được nhiều hộ nuôi tôm áp dụng nhằm tăng năng suất, chất lượng tôm nuôi sau thu hoạch.

Cũng là HTX khá thành công trong việc nuôi tôm nước lợ và có sản phẩm tiêu thụ mạnh trên thị trường là tôm khô một gió đã đạt chứng nhận 4 sao OCOP cấp tỉnh, HTX Thủy sản Hưng Phú (Cù Lao Dung) đã có thành quả rất tốt. Ngoài liên kết doanh nghiệp tiêu thụ tôm thương phẩm sau thu hoạch, HTX còn liên kết phát triển du lịch. Giám đốc HTX Thủy sản Hưng Phú Trần Quang Cần thông tin: “HTX có tổng diện tích nuôi tôm là 125ha, sản lượng tôm ước 750 tấn/năm, tôm nuôi theo tiêu chuẩn ASC và được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, với giá tốt. Bên cạnh đó, HTX còn chuyển đổi một phần diện tích nuôi tôm chuyên canh sang nuôi tôm kết hợp nuôi cá, nhằm phục vụ du lịch sinh thái. HTX làm tăng giá trị bằng cách sản xuất tôm khô, cá khô cung ứng trên thị trường và liên kết các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch, cửa hàng OCOP, siêu thị trong và ngoài tỉnh để cung cấp sản phẩm tôm khô, cá khô các loại phục vụ người tiêu dùng. Thành công HTX đạt được đó là nhờ khâu liên kết với các công ty trong việc tiêu thụ sản phẩm cùng sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn trong công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất đạt tiêu chuẩn ASC… tôm nuôi thương phẩm đảm bảo chất lượng phục vụ thị trường xuất khẩu…”.

Để nghề nuôi tôm phát triển bền vững

Năm 2020 là năm đầy thách thức cho nghề nuôi thủy sản do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, giá tôm nguyên liệu trong nước liên tục giảm đã tác động vào hoạt động sản xuất của người nuôi, cùng với đó là thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng đến tôm nuôi. Tuy nhiên, nhờ vào sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và sự nỗ lực của các ngành liên quan trong công tác quản lý, người nuôi tôm áp dụng đúng lịch thời vụ, kết hợp quy trình kỹ thuật hợp lý nên vụ tôm nuôi nước lợ năm 2020 trên địa bàn tỉnh thắng lợi, với diện tích thả nuôi hơn 51.000ha, sản lượng ước đạt hơn 187.000 tấn, vượt 12% kế hoạch.

Theo ông Trần Văn Phẩm - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng, năm 2020 là năm khó khăn của nước ta và thế giới do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19. Mặc dù khó khăn nhưng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Sóc Trăng, doanh nghiệp và hộ dân vẫn tổ chức sản xuất và thả nuôi tôm bình thường. Vụ tôm nuôi nước lợ năm 2020 của Sóc Trăng rất thành công, kể cả chăn nuôi và chế biến. Theo ông Phẩm, để vụ tôm nuôi năm 2021 đạt kết quả tốt cần phải khuyến cáo hộ nuôi tôm lựa chọn công nghệ nuôi phù hợp. Bên cạnh đó, cần quy hoạch đường giao thông nông thôn đồng bộ, nhằm tạo điều kiện đi lại thuận tiện trong lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân. Ngoài ra, ngành chuyên môn nên quy hoạch vùng nuôi tôm công nghệ cao; đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật hỗ trợ hộ nuôi tôm; liên kết công ty, doanh nghiệp tiêu thụ tôm nuôi…

Theo Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) Võ Quan Huy, vụ nuôi tôm năm 2020 trên địa bàn tỉnh thành công đã khống chế tôm nuôi thiệt hại dưới 10%, tỷ lệ diện tích nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh tăng. Qua đó, để vụ nuôi tôm cho những năm tiếp theo đạt thắng lợi lớn, ngành chuyên môn cần xây dựng biểu đồ thời gian theo dõi diễn biến dịch bệnh trên tôm bằng cách tổ chức các cuộc họp hàng tháng, hàng quý lồng ghép các biểu đồ để xem diễn biến dịch bệnh, để làm được vấn đề này cần sự chung tay của các nhà quản lý, nhà khoa học nhằm giám sát dịch bệnh. Cùng với đó, khoa học công nghệ là một trong những yếu tố thành công của việc nuôi tôm, do đó đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh có những chủ trương thay đổi công nghệ cho người nuôi tôm. Đồng thời, ngành điện tiếp tục bố trí điện phù hợp cho từng vùng, trước nhu cầu phát triển diện tích nuôi tôm ngày càng lớn như hiện nay. Đặc biệt, Sóc Trăng có nhiều người nuôi tôm với diện tích lớn rất thành công nên tỉnh cần khai thác trí tuệ, tư duy của những người này để chia sẻ lại cho bà con nuôi tôm đảm bảo có lợi nhuận…

(Theo báo Sóc Trăng)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục