Cà Mau: Nuôi tôm 'thuận thiên' trước thách thức biến đổi khí hậu

Tình trạng biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ gây nhiều bất lợi cho người nuôi tôm. Trước thực trạng đó, tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp, mô hình theo hướng “thuận thiên” nhằm giúp ngành tôm - ngành hàng số một của địa phương phát triển ổn định, bền vững trước các thách thức được dự báo sẽ có nhiều khó khăn.

Chú thích ảnh

Những năm gần đây, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng được các ngành chức năng, các địa phương và nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau chú trọng phát triển. Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản như: Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty Cổ phần Chế biến và Dịch vụ thủy sản Cà Mau (CASES), Công ty Cổ phần Camimex Group Cà Mau và Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn đã liên kết với các Ban quản lý rừng và các hộ dân nuôi tôm đạt các chứng nhận quốc tế như: Naturland, EU Organic, Selva Shrimp, Mangrove Shrimp, Canada Organic, ASC, BAP...

Đến nay, tỉnh có khoảng 39.500 ha tôm - rừng, tập trung ở các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi và Phú Tân. Trong đó, có khoảng 20.000 ha, với gần 4.200 hộ nuôi tôm đạt các chứng nhận quốc tế.

Thông qua thực hiện mô hình, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường của người dân được nâng cao, trình độ ứng dụng khoa học, kĩ thuật vào sản xuất phát triển, tạo được sự liên kết chuỗi giá trị từ khâu sản xuất cho đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Mô hình không chỉ giúp hài hoà lợi ích giữa phát triển kinh tế và bảo vệ rừng mà còn phát huy khả năng giữ đất, chống sạt lở, bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái.

Qua quá trình triển khai, mô hình này còn được xem như biện pháp hấp thu carbon, giảm phát thải nhà kính, phù hợp với xu thế phát triển xanh trên thế giới. Song song đó, đây là mô hình nuôi sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên, chi phí đầu tư thấp, đem lại thu nhập khá cao cho nông dân nhưng lại tạo ra sản phẩm tôm sạch, đáp ứng các tiêu chí khắt khe về chất lượng của các thị trường nhập khẩu khó tính.

Không dừng lại ở đó, hiện toàn tỉnh có khoảng 45.000 ha sản xuất tôm - lúa, tập trung chủ yếu ở các huyện như: Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời và thành phố Cà Mau. Đây được xem là mô hình thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

Để góp phần phát triển các mô hình nuôi tôm thích ứng với biến đổi khí hậu, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau cho biết đã nghiên cứu thành công quy trình nuôi tôm siêu thâm canh không xả thải. Hiện đang trong quá trình nghiệm thu dự án nghiên cứu và tổ chức triển khai, nhân rộng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ đang triển khai 3.000 ha nuôi tôm quảng canh 2 giai đoạn, giảm thải carbon trên địa bàn huyện Cái Nước và Phú Tân. Trong đó, có 300 ha trình diễn mô hình nuôi gắn với tổ chức sản xuất, liên kết với tổ chức chứng nhận vùng nuôi và nhà mua.

Với cách làm căn cơ trong thời gian qua, ngành tôm Cà Mau đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm đều trên 1 tỷ USD.

(Tổng hợp)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục