Thị phần tôm Việt tại Mỹ lung lay dưới áp lực thuế đối ứng 46%

(vasep.com.vn) Trong những năm qua, Mỹ luôn là thị trường XK tôm lớn nhất và truyền thống của Việt Nam, với tỷ trọng chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch XK tôm của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ dao động từ 800 triệu USD - 1 tỷ USD, năm 2021 đạt kỷ lục 1 tỷ USD. Và hiện có khoảng 230 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu tôm sang thị trường này.

Chú thích ảnh

Ngày 02/04/2025 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và áp thuế quan đối ứng nhằm giảm thâm hụt thương mại, bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Theo đó, mức thuế 10% sẽ áp dụng với tất cả quốc gia từ ngày 05/04. Tuy nhiên, các nước có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ sẽ chịu mức thuế cao hơn từ ngày 09/04, trong đó Việt Nam phải gánh thuế 46% – cao hơn đáng kể so với các đối thủ xuất khẩu thủy sản như Thái Lan (36%), Indonesia (32%), Ấn Độ (26%) hay Ecuador (10%).

Với mức chênh lệch thuế quá lớn, thủy sản Việt Nam, một trong những mặt hàng có giá trị xuất khẩu tỷ đô sang Mỹ trong năm 2024, gần như không thể cạnh tranh, đặc biệt khi Ecuador chỉ chịu thuế 10%.

Thuế suất 46% khiến doanh nghiệp không thể cạnh tranh, trong khi người tiêu dùng dù muốn chia sẻ cũng không “kham” nổi.

Trước đó doanh nghiệp chỉ dự đoán mức thuế có thể khoảng 10%, nhưng con số thực tế lại cao gấp nhiều lần. Nếu không có giải pháp từ Chính phủ hoặc đàm phán để điều chỉnh mức thuế, việc rút khỏi thị trường Mỹ không còn là viễn cảnh.

Một mối lo khác là nếu Mỹ tính thuế dựa trên ngày hàng cập cảng thay vì ngày xuất hàng, những lô hàng đã rời Việt Nam trước ngày 05/04 nhưng chưa đến Mỹ vẫn có thể bị áp thuế mới, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng.

Theo tính toán, một lô hàng trị giá 5 triệu USD có thể bị mất hơn 2 triệu USD nếu chịu thuế 46%, đẩy doanh nghiệp vào thế khó chồng chất.

Không chỉ đối mặt với thuế nhập khẩu mới, xuất khẩu tôm Việt Nam còn đang chịu sức ép từ 2 vụ kiện chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) tại Mỹ. Nếu Mỹ tiếp tục áp thêm thuế từ các vụ kiện này, tôm Việt có thể phải gánh tới 3 loại thuế.

Kịch bản thương mại tôm toàn cầu sau thông báo thuế đối ứng của Mỹ

Lợi thế cho các nước Mỹ Latinh: Ecuador và các nước như Argentina, Honduras, Mexico có thể tăng thị phần tại Mỹ do mức thuế thấp hơn.​ Ecuador và các nhà sản xuất khác ở Mỹ Latinh có thể sẽ hướng đến mục tiêu tăng năng lực sản xuất các sản phẩm lột vỏ và giá trị gia tăng có nhu cầu cao tại Hoa Kỳ. Đối với Ecuador, diễn biến này diễn ra đúng thời điểm vì nhu cầu từ Trung Quốc không chắc chắn và việc phát triển vị thế mạnh mẽ hơn tại Hoa Kỳ có thể giúp giảm thiểu rủi ro này.

Thách thức cho các nước châu Á: Việt Nam, Indonesia và Thái Lan đối mặt với mức thuế cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh tại thị trường Mỹ.​

Ấn Độ: Dù mức thuế cao hơn Ecuador, Ấn Độ có thể duy trì thị phần bằng cách tập trung vào các sản phẩm mà các nước Mỹ Latinh chưa cung cấp đủ. Hơn nữa, các nhà cung cấp Ấn Độ có khả năng sẽ tăng gấp đôi mối quan hệ bền chặt trong lịch sử của họ với các nhà bán lẻ Hoa Kỳ và đồng thời tăng xuất khẩu sang EU và các thị trường khác đối với các sản phẩm lột vỏ và có giá trị gia tăng. Họ cũng có thể hướng đến mục tiêu đa dạng hóa sang các loài tôm khác và phát triển hoạt động nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá.

Kỳ vọng cuộc đàm phán giữa Chính phủ hai 2 nước sẽ đạt được kết quả tích cực. DN XK tôm cũng nên cân nhắc kỹ thời gian và kế hoạch xuất hàng để tránh bị áp mức thuế không mong muốn. Không nên xuất hàng từ ngày 5/4/2025 để tránh bị áp thuế bổ sung 10%; Không xuất hàng từ ngày 9/4/2025 để tránh mức thuế đối ứng 46%. Chờ hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ ngành (nếu có) để quyết định các phương án và kế hoạch XK tiếp theo. Trong khi đó, vẫn đảm bảo sản xuất sản phẩm chất lượng cao, nhiều giá trị gia tăng và tìm kiếm các thị trường thay thế.

Chia sẻ:


Kim Thu
Chuyên gia thị trường Tôm
Email: kimthu@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 – ext.203

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm