Hạn mặn ảnh hưởng đến nuôi tôm càng xanh

Hiện nay, nhiều người nuôi tôm càng xanh tại tỉnh Bến Tre lo lắng vì tình hình hạn hán, mặn xâm nhập sâu, kéo dài, độ mặn cao đã ảnh hưởng đến vùng nuôi tôm càng xanh. Nhiều diện tích ao nuôi tôm bị chết, người dân thua lỗ nặng.

Hơn nửa tháng qua, ngày nào chị Lê Thị Điệp, xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú cũng đi vớt tôm càng xanh chết nổi trên mặt ao. Mỗi ngày chị Điệp vớt từ 10 - 15kg tôm chết để đi chôn. Dọc bờ ao, những con tôm càng xanh 4 tháng tuổi vỏ ngả sang màu gạch chết nổi lềnh bềnh. Chị Điệp cho biết, vụ tôm năm nay gia đình thả nuôi hơn 130 ngàn con tôm càng xanh giống và 120 ngàn con tôm sú giống trong ao 1,6ha. Do nắng gắt, kèm theo độ mặn tăng cao làm cho tôm càng xanh chết dần.

Hơn 20 năm nuôi tôm nhưng đây là lần đầu tiên tôm chị nuôi chết nhiều nhất. Chị Điệp nhận định, tôm chết không phải do dịch bệnh mà do ảnh hưởng từ nguồn nước và nắng nóng kéo dài. Độ mặn của nước các năm trước từ 15 - 16%o, nhưng năm nay lên đến hơn 20%o, có thời điểm từ 24 - 25%o, do đó tôm càng xanh không thể sống nổi.

Chị Điệp chia sẻ, do địa phương có truyền thống nuôi tôm càng xanh quảng canh xen với lúa, từ tháng 8 âm lịch, chị Điệp bắt đầu gieo sạ lúa, đến tháng 11 âm lịch khi lúa bắt đầu chín thì thả vụ tôm. Năm nay, do mặn xâm nhập sớm và sâu, nhiều nông dân không kịp trở tay, đa số lúa bị nhiễm mặn. Diện tích lúa nhà chị Điệp mặc dù đã sớm đắp bờ ngăn, nhưng nước mặn vẫn tràn vào đồng, thiệt hại khoảng 50%. Gia đình chị chỉ còn trông mong vào vụ tôm, chi phí con giống lẫn thuốc men, thức ăn hơn 80 triệu đồng. Nhưng hiện tôm chết hơn 70%, chưa có dấu hiệu dừng lại.

Kế bên vuông tôm của chị Điệp, gia đình bà Lê Thị Sương cùng 3 người con thay phiên nhau dùng vợt lưới đi quanh ao vớt tôm chết. Gia đình bà có tổng cộng hơn 4ha tôm càng xanh, thời điểm này những năm trước, chỉ cần quăng chài xuống ao là bắt được mấy ký tôm. Còn bây giờ, ao tôm chỉ còn trơ nước, mỗi ngày phải vớt cả nghìn con tôm chết đem chôn. Nhiều nông dân như bà Sương cho hay, nếu tình hình này kéo dài, sang năm, nông dân sẽ tính đến phương án thay đổi giống lúa lẫn giống thủy sản, để thích nghi với thời tiết ngày càng khắc nghiệt.

Toàn xã Mỹ An có khoảng 330ha ao nuôi tôm càng xanh quảng canh, đa số đều bị thiệt hại từ 60 - 80%. Theo nhiều người dân, đợt hạn mặn năm 2016, người nuôi tôm chỉ bị ảnh hưởng nhẹ, không như bây giờ.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú Võ Văn Hiện cho biết, từ giữa năm 2019 đến đầu năm 2020, toàn huyện có hơn 3.800ha diện tích thả giống tôm càng xanh. Trong đó, do ảnh hưởng của nắng nóng và xâm nhập mặn đã thiệt hại 1.400ha, tỷ lệ thiệt hại hơn 37,8%, chủ yếu giữa tháng 2-2020 đến nay.

“Hiện nay, ngành chức năng tích cực hỗ trợ người dân các biện pháp phòng chống, ứng phó hạn mặn ảnh hưởng đến sản xuất. Yêu cầu các hộ dân có tôm càng xanh bị chết tiến hành chôn lấp theo quy định, hạn chế ảnh hưởng môi trường nuôi xung quanh. Cần xử lý các ao nuôi bị thiệt hại, tránh trường hợp xả thẳng nguồn nước ô nhiễm ra môi trường sẽ ảnh hưởng đến các vùng nuôi thủy sản khác” - ông Hiện nhấn mạnh.

(Theo báo Đồng Khởi)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục