Cầu nối bền vững theo chuỗi giá trị ngành hàng tôm

Đã qua, bên cạnh những thuận lợi thì người nuôi tôm ở ĐBSCL nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng gặp phải những khó khăn: Dịch bệnh, hạn chế trong việc áp dụng quy trình kỹ thuật mới, tiếp cận vốn. Do đó, cần có một mô hình nuôi tôm thật sự hiệu quả, bền vững cũng như cần một nguồn vốn tín dụng bền vững để nhiều nông dân tiếp cận.

“Cà Mau là một trong những tỉnh có diện tích nuôi thủy sản lớn nhất nước, khoảng 303.000ha, chiếm gần 40% diện tích cả nước và chiếm khoảng 45% vùng ĐBSCL, sản lượng tôm nuôi hàng năm đạt trên 300.000 tấn. Tuy vậy, năng suất còn rất thấp so với cả nước và khu vực. Ngoài các yếu tố tác động từ thiên tai, dịch bệnh, Cà Mau thiếu sự liên kết chuỗi sản xuất, đặc biệt là vấn đề tiếp cận nguồn tài chính bền vững theo chuỗi giá trị ngành tôm”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhận định.

Nhà cung ứng dịch vụ sẵn sàng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho biết, tiếp cận nguồn tài chính bền vững theo chuỗi giá trị ngành tôm là mục tiêu mà tỉnh đang theo đuổi. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng trong chuỗi liên kết cần phải chủ động hơn trong việc hỗ trợ nông dân, tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) về khoản vốn vay để có cơ hội đầu tư sản xuất và tham gia sâu vào chuỗi giá trị, bởi lẽ đây là một trong những nhân tố tích cực cung ứng khối lượng lớn tôm cho hoạt động chế biến và xuất khẩu thủy sản của tỉnh.

Người nuôi tôm Cà Mau nói riêng cũng như ĐBSCL nói chung sẽ tiếp cận được chuỗi liên kết bền vững giữa các bên liên quan, các đơn vị cung cấp đầu vào, cơ quan tín dụng và người nuôi tôm trên nền tảng liên kết chuỗi giá trị bền vững. Theo đó, Ngân hàng TMCP Phương Đông chi nhánh Cà Mau (OCB Cà Mau) sẽ chủ động cung cấp nhiều gói vay ưu đãi vượt trội, tạo điều kiện để nông dân trong chuỗi ngành hàng chủ lực có điều kiện tiếp xúc với nguồn vốn vay, đáp ứng yêu cầu sản xuất và mang lại hiệu quả cao nhất trong sản xuất.

Hiện nay, tại Cà Mau, CPF Combine là một trong những mô hình nuôi tôm cho hiệu quả cao, được nhiều người dân áp dụng. Đây là mô hình được chuyển giao từ Công ty Cổ phần CP Việt Nam. Mô hình CPF Combine khép kín từ khâu con giống có chất lượng cao tới quy trình nuôi theo hai bước áp dụng hệ thống an toàn sinh học thân thiện với môi trường, đồng thời có nhà máy bao tiêu sản phẩm giúp người nuôi tôm yên tâm sản xuất kinh doanh. Theo đánh giá của nhiều hộ dân, mô hình CPF Combine đã giảm bớt sự tác động của thời tiết trong giai đoạn tôm còn nhỏ, từ đó tăng được tỷ lệ sống và tăng sức khỏe của tôm, sản lượng tôm tăng đạt hiệu quả cao, thịt tôm chất lượng... Mô hình CPF Combine giúp giảm được các loại bệnh cho tôm trong quá trình nuôi; chủ động thời gian thả nuôi, ít lệ thuộc vào thời tiết mùa vụ như phương pháp nuôi truyền thống; tăng tỷ lệ sống và năng suất cao hơn. Khi người dân áp dụng mô hình CPF Combine, công ty sẽ cung cấp đội ngũ nhân viên kỹ thuật để giúp người nuôi tôm thực hiện mô hình, cung cấp con giống chất lượng và bao tiêu sản phẩm; người nuôi chỉ đầu tư vốn xây dựng ao nuôi, sử dụng nhà lưới, lót bạt đáy ao, máy vận hành xử lý nước... đúng theo quy chuẩn của mô hình CPF Combine dưới sự giám sát và hướng dẫn của nhân viên kỹ thuật Công ty Cổ phần CP Việt Nam.

Mô hình trưng bày của Công ty Cổ phần CP Việt Nam cung cấp cho các hộ nuôi tôm trong tỉnh.

 Mô hình trưng bày của Công ty Cổ phần CP Việt Nam cung cấp cho các hộ nuôi tôm trong tỉnh

Ngân hàng chủ động

OCB Cà Mau đã tiến hành cho vay vốn lưu động tại huyện Đầm Dơi; đầu tư cho các hợp tác xã chuyên phân phối thức ăn, con giống, dụng cụ nuôi tôm... Đối với các hợp tác xã, hạn mức cho vay hơn 100 tỷ đồng; hộ dân thì mức từ 300 - 500 triệu đồng; hiện nay, tổng dư nợ cho vay sản xuất nông nghiệp gần 50 tỷ đồng, chiếm gần 80% dư nợ.

Bà Lê Thị Thùy Trang, Giám đốc Chi nhánh, kiêm Giám đốc bán lẻ OCB Cà Mau, cho biết: “Cái khó lớn hiện nay khiến người dân không tiếp cận được vốn của OCB là do còn thiếu nợ cũ chưa thanh toán, không còn tài sản thế chấp để mở rộng vốn. Quan điểm của OCB là hợp tác với tất cả các HTX, THT, xã viên có sản xuất, kinh doanh tốt. Ngân hàng sẵn sàng gia tăng vốn sau khi đã đánh giá được hiệu quả kinh doanh; không phát sinh nợ quá hạn...”. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIC), có 80 - 90% người nuôi tôm vùng ĐBSCL trong tình trạng nợ ngân hàng hoặc các đại lý thức ăn, con giống. Do đó, để thúc đẩy cơ chế mới từ liên kết theo chuỗi, đầu vào phải có sự tham gia của ngân hàng - đây là đơn vị điều phối dòng tiền hiệu quả và bảo đảm luân chuyển dòng tiền trong chuỗi thông qua cơ chế chuyển khoản giao dịch. Từ đó, các bên sẽ có đủ niềm tin, năng lực tài chính ngồi lại với nhau để hợp tác thực hiện mô hình này hiệu quả hơn.

ICAFIC cho biết, hiện Cà Mau có khoảng 300.000ha nuôi tôm, sản lượng bình quân 150.000 tấn/năm. Theo thời giá hiện tại, một năm người dân Cà Mau sử dụng bình quân khoảng 4.950 tỷ đồng thức ăn cho tôm. Nếu thực hiện theo chuỗi thì giá trị giảm tương đương 15%, tức là làm lợi cho nông dân khoảng 742 tỷ đồng.

Tiếp theo những thành tựu đã có, OCB Cà Mau sẽ chủ động cung cấp nhiều gói vay ưu đãi vượt trội, tạo điều kiện để nông dân trong chuỗi ngành hàng chủ lực tiếp cận với nguồn vốn vay, đáp ứng yêu cầu sản xuất và mang lại hiệu quả cao nhất trong sản xuất. Về giải pháp dài hơi, bà Lê Thị Thùy Trang cho biết, OCB Cà Mau sẽ gia tăng tiện ích hiện hữu đối với các khách hàng truyền thống; đối với những khách hàng có lịch sử giao dịch tốt, sẽ nâng tỷ lệ đầu tư cho khách hàng trong thời gian tới. Tiếp cận hồ sơ vay của khách hàng tận cánh đồng, xem xét kỹ hồ sơ và đồng hành hỗ trợ vốn khi hồ sơ “sạch” để cùng người dân thực hiện các dự án đã được lên kế hoạch; góp phần thông suốt chuỗi liên kết với các mặt hàng chủ lực.

Với sự chủ động của đơn vị cung ứng dịch vụ nuôi và đơn vị cung ứng tín dụng cho người nuôi tôm, tin rằng chuỗi giá trị ngành tôm ngày càng “chặt” và bền vững hơn.

(Theo báo ảnh Đất Mũi)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục