Cẩn trọng nuôi tôm thời điểm giao mùa

Sau thời gian nắng nóng kéo dài sẽ có thời điểm giao mùa, đây là lúc rất dễ bùng phát dịch bệnh do sự thay đổi đột ngột về môi trường nhất là vào tháng 4 và tháng 5 hàng năm. Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau khuyến cáo các vùng, cơ sở nuôi không chủ động được nguồn nước, hạ tầng không đảm bảo thì không nên thả nuôi trong giai đoạn này để tránh thiệt hại, cần tuân thủ theo lịch thời vụ.

Người nuôi tôm cần tính toán thời điểm thả giống cho hợp lý. Nên chọn con giống tốt, đã qua xét nghiệm để thả nuôi. Ở những vùng có độ mặn cao trên 30‰, khi thả giống cần lưu ý tôm chậm phát triển và dễ mắc bệnh. Đối với nuôi tôm thâm canh lót bạt, công nghệ cao, chủ động được nguồn nước và mái che có thể thả nuôi 2 giai đoạn.

Cẩn trọng nuôi tôm thời điểm giao mùa
Ảnh minh họa

Nắng nóng kéo dài dễ làm bùng phát bệnh hoại tử gan tụy cấp. Để phòng bệnh này, cần diệt khuẩn kỹ nước trong ao lắng trước khi cấp vào ao nuôi, tăng cường bổ sung các chất tăng sức đề kháng, sử dụng chế phẩm vi sinh định kỳ giúp ổn định môi trường, hạn chế khí độc trong ao nuôi. Điều chỉnh quạt nước và sục khí để ôxy hòa tan trong ao không dưới 5mg/L. Người nuôi nên thả tôm với mật độ vừa phải, đối với tôm thẻ chân trắng nuôi ao đất mật độ 60-70 con/m2, ao lót bạt 100-120 con/m2, đối với tôm sú 15-20 con/m2. Bên cạnh đó, cần thường xuyên theo dõi các yếu tố thủy lý hóa trong ao nuôi như pH, nhiệt độ, độ kiềm, ôxy hòa tan để kịp thời điều chỉnh, tránh hiện tượng tôm bị sốc do môi trường sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh phát huy tác dụng và gây bùng phát dịch bệnh.

(Theo CTV Cà Mau)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục