Các vùng nuôi tôm Thanh Hóa sử dụng chế phẩm sinh học

Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân các huyện vùng biển Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Văn Hùng, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa hiện có 2 ha đầm nuôi tôm trên cát. Thời điểm vừa “bén duyên” với tôm thẻ chân trắng, ông chưa sử dụng chế phẩm sinh học nên hiệu quả kinh tế thấp. Theo ông Hùng, lợi ích lớn nhất của việc sử dụng chế phẩm sinh học là vừa giúp con tôm có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh vừa có được sản phẩm an toàn.

“Nước sau khi lọc lắng sẽ được diệt khuẩn bằng clorin, sử dụng chế phẩm lên màu nước. Sử dụng chế phẩm sinh học đúng cách giúp phục hồi lượng vi sinh vật có lợi và tái tạo nguồn thức ăn tự nhiên. Trong thành phần của một số chế phẩm sinh học có chứa các enzyme (men vi sinh), vitamin, vi chất và khoáng chất có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa và giúp hấp thu tốt thức ăn, bổ sung đầy đủ các dinh dưỡng thiết yếu cho môi trường nuôi, phân hủy tốt các chất hữu cơ, làm giảm lớp bùn nhớt ở ao nuôi, giảm mùi hôi của nước trong ao” – ông Hùng cho hay.

Theo ông Hùng, các ao của ông đều sử dụng chế phẩm sinh học trong toàn bộ quá trình nuôi tôm, từ giai đoạn cải tạo ao nuôi đến khi thu hoạch. Thức ăn của tôm cũng được trộn với chế phẩm sinh học nên tôm ít bệnh, nhanh lớn. Việc sử dụng các chế phẩm sinh học đang là giải pháp giúp môi trường ao nuôi luôn ổn định, kiểm soát được dịch bệnh, sinh trưởng, phát triển tốt.

Cũng theo ông Hùng, lâu nay, nuôi tôm ở vùng triều huyện Hoằng Hóa có nhiều hạn chế về nguồn nước. Tuy nhiên, nhờ sử dụng chế phẩm sinh học, nhiều hộ nuôi vẫn thu được sản lượng khá, cho lãi cao.

Không chỉ sử dụng chế phẩm sinh học, ông Hùng còn xây dựng hệ thống nhà nuôi tôm. Tuy chi phí bỏ ra rất lớn nhưng nhờ có nhà nuôi tôm, bình quân mỗi năm ông nuôi được 3 vụ, năng suất, sản lượng đều tăng.

“Tôm vụ 3 trước khi được thả ra các đầm ngoài trời sẽ được ương dèo, nuôi đạt kích cỡ tương đối lớn trước khi dưa ra ao nuôi ngoài trời. Làm như vậy, con tôm sẽ chịu đựng tốt hơn với môi trường ao nuôi ngoài trời. Với 2 ha nuôi, mỗi năm tôi thu về khoảng 80 tấn tôm, trừ chi phí cũng lãi ròng trên 3 tỷ đồng” – ông Hùng cho hay.

Không chỉ ở Hoằng Phụ mà các xã nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay, người nuôi tôm đã bắt đầu quen dần với việc nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học.

Trộn chế phẩm sinh học vào thức ăn giúp tôm chống chịu tốt với dịch bệnh, mau lớn. Ảnh: Võ Dũng.

Trộn chế phẩm sinh học vào thức ăn giúp tôm chống chịu tốt với dịch bệnh, mau lớn.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Thanh Hóa, các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương và Tĩnh Gia có hơn 80% diện tích nuôi trồng thủy sản của toàn tỉnh. Hiện nay, ở tất cả các địa phương này người nuôi đều đã sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm.

Đại diện Chi cục Thủy sản Thanh Hóa cho biết, trước mỗi vụ nuôi chi cục đều khuyến cáo các hộ nuôi xử lý, cải tạo ao nuôi thật kỹ, tiêu diệt mầm bệnh trước khi thả nuôi, chọn giống khỏe mạnh và không mang mầm bệnh, nhất là đối với bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp ở tôm thẻ chân trắng. Ứng dụng các chế phẩm sinh học trong nuôi thủy sản đang được xem là một giải pháp hỗ trợ giúp người nuôi ổn định và phát triển. Điều dễn nhận thấy là hầu hết các hộ nuôi sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm đều đem lại hiệu quả kinh tế cao.

(Theo NNVN)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục