Các biện pháp phòng bệnh trên tôm nuôi nước lợ

Ngoài cây lúa thì con tôm nước lợ được Sóc Trăng xác định là kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Chính vì vậy, trong thời gian qua, việc quản lý phát triển nghề nuôi tôm được các sở, ban ngành tỉnh và địa phương rất quan tâm.

Nhờ đó, việc nuôi tôm nước lợ được nhiều địa phương phát triển mạnh, đặc biệt là nhiều diện tích nuôi tôm truyền thống chuyển sang nuôi tôm bằng ao lót bạt, nuôi tôm 2, 3 giai đoạn, nuôi tôm ao nổi, góp phần tăng năng suất, chất lượng tôm nuôi. Thông qua các phương thức nuôi tôm, vấn đề quan trọng là phòng tránh tốt các tác nhân gây bệnh trên tôm, bảo vệ tôm nuôi tăng trưởng tốt trước tác động của thời tiết, môi trường, dịch bệnh.

Theo nhận định của ngành chuyên môn, khi tôm mắc bệnh là có sự xuất hiện của 3 nhân tố sau đây: thứ nhất môi trường sống là biểu hiện của chất lượng nước (được quyết định bởi nhiều yếu tố, như: nhiệt độ, ôxy hòa tan, pH, các khí CO2, NH3, H2S… và các kim loại nặng, những yếu tố này thay đổi sẽ gây bất lợi cho tôm nuôi và tạo điều kiện thuận lợi để tăng tính độc của các tác nhân gây bệnh); thứ hai, tác nhân gây bệnh (mầm bệnh) vi rút, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng và những sinh vật có hại khác đủ lớn, đủ mạnh (khi chúng phát triển ở mật độ cao, môi trường ô nhiễm, tấn công tôm gây bệnh); thứ 3, con tôm nuôi trong ao, đầm khi tôm có sức đề kháng yếu hoặc thường xuyên bị sốc sẽ bất lợi cho tôm nuôi, lúc đó tôm dễ dàng bị tác nhân gây bệnh xâm nhập. 3 nhân tố trên làm môi trường sống thay đổi bất lợi, mầm bệnh đủ nhiều, đủ mạnh, tôm có sức đề kháng yếu thì tôm có thể mắc bệnh do sinh vật, nếu thiếu 1 trong 3 nhân tố thì tôm không bị mắc bệnh do sinh vật.

Các biện pháp phòng bệnh trên tôm nuôi nước lợ
Nuôi tôm công nghệ cao sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh trên tôm cũng như góp phần tăng năng suất, chất lượng tôm sau thu hoạch.

Đồng chí Quách Thị Thanh Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thông tin: “Một số bệnh thường gặp ở tôm sú và tôm thẻ chân trắng gồm: hội chứng đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy ở tôm sú do vi bào tử… Bệnh đốm trắng trên tôm là loại bệnh khá phổ biến tôm thường mắc phải, bởi hội chứng bệnh đốm trắng trên tôm xảy ra ở mọi giai đoạn phát triển của tôm nhưng mẫn cảm nhất là giai đoạn 60 ngày tuổi. Dấu hiệu dễ nhận biết là khi mắc bệnh, tôm nổi trên tầng mặt, bỏ ăn, bơi lờ đờ, hoạt động yếu, mang bị phồng, đỏ thân, tỷ lệ chết lên đến 100% trong vòng 3 - 5 ngày. Dưới lớp vỏ kitin vùng đầu ngực và đốt bụng 5, 6 xuất hiện nhiều đốm trắng đường kính từ 0,5 - 2mm sau đó lan ra toàn thân. Nhân tế bào mang, biểu bì ruột, dạ dày, tế bào biểu bì dưới vỏ, cơ quan lympho sưng to và bị hủy hoại…".

Để phòng bệnh đốm trắng trên tôm, người nuôi tôm chọn tôm bố mẹ có chất lượng tốt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không vận chuyển tôm giống mật độ cao, thức ăn cho tôm phải tươi sống không hư thối và dùng nhiệt nấu chín, hàng tháng bổ sung từ 1 - 2 đợt vitamin C cho tôm, liều lượng từ 2 - 3g/1kg thức ăn, mỗi đợt cho tôm ăn trong một tuần liên tục. Đồng thời, nguồn nước cấp cho ao nuôi tôm phải lắng lọc và khử trùng; vớt tôm chết ra khỏi ao; ngăn chặn không cho tôm và giáp xác khác vào ao nuôi; nước ao nuôi tôm bị bệnh đốm trắng phải xử lý bằng chlorin nồng độ cao (30 - 50g/m3), không được xả ra ngoài. Khi phát hiện bệnh, tốt nhất là thu hoạch tôm ngay.

"Ngoài ra, trên tôm sú cũng thường gặp phải bệnh hoại tử gan tụy và dấu hiệu nhận thấy khi tôm gặp phải bệnh này là tôm hoạt động chậm chạp, bơi vào bờ ao và chết. Tỷ lệ tôm chết tăng nhanh, trong vòng 1 - 2 tuần tôm chết 60% - 70%, nếu tôm bệnh nặng có thể chết tới 100%, biểu hiện bên ngoài khi tôm bị bệnh là tôm chậm lớn, phân đàn. Để phòng và trị bệnh hoại tử gan tụy cấp, hộ nuôi phải diệt tác nhân gây bệnh từ môi trường, dùng chlorin hoặc các hóa chất xử lý môi trường được phép sử dụng diệt tác nhân gây bệnh ở đáy ao và môi trường nước. Dùng chế phẩm vi sinh làm sạch môi trường, hạn chế thay nước ngăn ngừa mầm bệnh từ môi trường bên ngoài vào. Nếu lấy nước phải lấy từ ao lắng đã được khử trùng. Bên cạnh đó, tăng sức đề kháng bệnh cho tôm, dùng một số chế phẩm vi sinh để cho tôm ăn và phục hồi chức năng của gan tụy tôm bị hoại tử bằng cách dùng thuốc đa axit amin, Enzym, đa vitamin, đa vi lượng…” - đồng chí Quách Thị Thanh Bình chia sẻ thêm.

Theo thống kê của ngành chuyên môn, đến thời điểm này, diện tích thả nuôi tôm trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 14ha. Để vụ nuôi tôm tiếp tục thành công như các vụ nuôi trước, bà con cần phải chăm sóc tôm nuôi thật cẩn thận khi thời tiết bất lợi, thường xuyên kiểm soát môi trường ao nuôi, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi ngay từ đầu vụ, đặc biệt là áp dụng các biện pháp nuôi tôm an toàn sinh học, áp dụng mô hình nuôi tôm hiệu quả do ngành chuyên môn khuyến cáo để phòng, chống tốt các dịch bệnh trên tôm, góp phần tăng năng suất, chất lượng tôm nuôi và tăng thu nhập tại hộ…

(Theo báo Sóc Trăng)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục