Willem van der Pijl: Cơ hội đầu tư vào nuôi tôm ở Việt Nam

(vasep.com.vn) Nhà sáng lập Shrimp Insights, Willem van der Pijl đã đưa ra một số nhận định về hoạt động nuôi tôm ở Việt Nam và cho rằng đây là một cơ hội đầu tư cho các ngân hàng và các tổ chức tài chính phát triển.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), với sản lượng 4,5 triệu tấn, trị giá 12 tỷ USD mỗi năm, Việt Nam là nhà sản xuất thủy sản nuôi lớn thứ tư ở châu Á. Về XK, Việt Nam là nước XK thủy sản lớn thứ 2 châu Á sau Trung Quốc. Việt Nam XK 1,5 triệu tấn thủy sản, trị giá 8 tỷ USD mỗi năm. Việt Nam chủ yếu nuôi cá nước ngọt như cá tra, cá chép và cá rô phi và tôm nước lợ như tôm chân trắng và tôm sú. Cá tra và tôm là 2 mặt hàng quan trọng góp phần duy trì tăng trưởng XK thủy sản. Tôm và cá philê (cá tra chủ yếu XK dưới dạng philê) chiếm 45% và 32% tổng XK. Sản xuất 330.000 tấn, trị giá 3,3 tỷ USD, Việt Nam là nước XK tôm lớn thứ 2 của châu Á (sau Ấn Độ). Việt Nam cũng là nước XK philê cá tra lớn thứ 2 của châu Á (sau Trung Quốc) với 800.000 tấn/năm, trị giá 2,5 tỷ USD.

Chuỗi cung cấp tôm của Việt Nam đang ngày càng được liên kết theo chiều dọc vì các công ty đều có xu hướng mở rộng quy mô hoạt động.

Ngành tôm ít tích hợp hơn ngành cá tra, chủ yếu trong phân khúc nuôi. Phần lớn sản xuất tôm ở Việt Nam được thực hiện bởi người nuôi nhỏ lẻ mua nguyên liệu đầu vào từ các thương lái và bán tôm qua trung gian. Có hàng chục nghìn hộ nuôi nhỏ lẻ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều trang trại của các công ty, một số trong số đó giúp phát triển hoạt động nuôi tôm ở Việt Nam. Nhìn chung, nuôi tôm được coi là có nhiều rủi ro hơn các loài khác do sự phân mảnh của chuỗi cung ứng tôm, rủi ro dịch bệnh.

Các nhà chế biến và XK tôm Việt Nam đang ngày càng đầu tư nhiều hơn vào nuôi tôm. Lí do chính là để đảm bảo có nguồn cung tôm nguyên liệu được chứng nhận ASC và BAP phục vụ cho kinh doanh bán lẻ, nhất là cho thị trường EU và Mỹ. Họ có thể đầu tư nuôi dưới dạng trực tiếp sở hữu hoặc thông qua hợp đồng bao tiêu với các trại nuôi cá nhân hoặc hợp tác xã sản xuất. Hầu hết các khoản đầu tư vào hoạt động nuôi dưới hình thức vốn lưu động cho các hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều nhà XK như Minh Phú, Fimex VN, BIM, và Vina Cleanfood cũng đã đầu tư vào trại nuôi quy mô lớn hơn của doanh nghiệp. Những trại nuôi này đảm bảo nguồn cung nguyên liệu đáp ứng hợp đồng của các khách hàng quan trọng. Bên cạnh đó, một số công ty lớn trên đã có thể trở thành những ứng cử viên cho khoản đầu tư từ các ngân hàng lớn hơn. Tới nay, Minh Phú là một trong số ít công ty thu hút được đáng kể vốn đầu tư nước ngoài; Tập đoàn Mitsui có trụ sở tại Nhật Bản đã mua lại một phần đáng kể cổ phiếu của Minh Phú và đang đóng vai trò là đối tác chiến lược để phát triển hơn nữa hoạt động kinh doanh của Minh Phú, bao gồm cả việc tích hợp thêm ngành nuôi tôm theo chiều dọc. Các khoản đầu tư vào các công ty lớn, tích hợp theo chiều dọc này cũng có thể được sử dụng để cung cấp cho họ nhiều vốn lưu động hơn để thu hút nhiều trang trại hơn tham gia vào các thỏa thuận sản xuất theo hợp đồng, nơi họ được tiếp cận đầu vào với các điều kiện tốt hơn.

Sự gia tăng của công nghệ nuôi siêu thâm canh trong lĩnh vực nuôi tôm của Việt Nam đang thu hút được sự quan tâm. Các công ty sản xuất tôm giống như Việt-Úc, Thông Thuận, Dương Hùng và các nhà chế biến như Minh Phú, CP Việt Nam và Vina Cleanfood gần đây đã đầu tư vào hệ thống nuôi siêu thâm canh. Các công ty này đang trong quá trình thiết lập các trang trại nuôi tôm trong nhà, có thể nuôi với mật độ khoảng 200-500 con/m2, cao hơn nhiều so với các trang trại thông thường ở Việt Nam với chỉ khoảng 100-200 con/m2. Mặc dù tiềm năng của hình thức nuôi siêu thâm canh trong điều kiện sử dụng đất và nước hiệu quả hơn là rất lớn, nhưng tỷ lệ thành công của các hệ thống này vẫn phải được chứng minh. Hình thức này đòi hỏi người nông dân có khả năng áp dụng công nghệ và có kỹ năng cần thiết để quản lý thành công các loại trang trại này.

Các công ty nước ngoài như CPF (Thái Lan), Grobest (Đài Loan), Uni-President (Hàn Quốc), Shenglong (Trung Quốc), Tongwei (Trung Quốc) và Skretting (Hà Lan) thống lĩnh thị trường thức ăn cho tôm. Trái ngược với cá tra, tôm, ngoại trừ Minh Phú, không có nhiều doanh nghiệp sản xuất tôm tổng hợp theo chiều dọc lớn đã tích hợp sản xuất thức ăn vào chuỗi cung ứng của họ. Nhưng các công ty thức ăn chăn nuôi đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng: họ vận hành các trang trại trình diễn, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi và hướng họ tới các hệ thống sản xuất hiệu quả hơn. Trong một số trường hợp, họ còn đầu tư vào các trại ương giống để cung cấp cho nông dân tôm giống chất lượng cao trong gói thức ăn của họ. Hầu hết các nhà sản xuất thức ăn cho tôm cũng sản xuất thức ăn cho cá biển có giá trị cao, đòi hỏi công thức và thiết bị sản xuất phức tạp hơn so với thức ăn cho cá nước ngọt và thức ăn chăn nuôi khác.

Ngành sản xuất thức ăn nuôi tôm hiện hoạt động vượt công suất. Ngành tôm dự kiến tăng trưởng mạnh nên đầu tư vào thức ăn nuôi tôm có thể sẽ là một cơ hội tốt.

Mặc dù nuôi trồng thủy sản nói chung - và tôm nói riêng - có thể được coi là một ngành kinh doanh rủi ro, nhưng vẫn có những công ty đang thực hiện các bước đi đúng đắn để quản lý những rủi ro này và phát triển ngành nuôi trồng thủy sản và nuôi tôm một cách bền vững và có trách nhiệm. Đối với những công ty này, khả năng tiếp cận tài chính và đầu tư thường là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy mở rộng kinh doanh hơn nữa, và điểm nghẽn này thường khiến họ không phát huy được tiềm năng của mình. Tôi hy vọng rằng với một vài nhận định về ngành tôm ở Việt Nam, các ngân hàng và các tổ chức tài chính phát triển (DFI) sẽ nhìn thấy cơ hội đầu tư đối với một số công ty được coi là động lực phát triển của ngành.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm