Ông Lê Văn Quang –Chủ tịch HĐQT Minh Phu Seafood Corp: Ba vấn đề hiến kế phát triển ngành tôm

(vasep.com.vn) Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì đã khai mạc sáng 2/5 tại Hà Nội. Sự kiện thu hút hơn 5.000 khách mời, hơn 2.000 chuyên gia kinh tế, diễn giả và lãnh đạo các doanh nghiệp. Tại Diễn đàn, ông Lê Văn Quang – Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) đã gửi tới Thủ tướng những lời tâm huyết về những giải pháp phát triển ngành tôm.

Vấn đề tích tụ ruộng đất trong nuôi tôm

Dồn điền đổi thửa, hay thuê đất hoặc thành lập Công ty cổ phần trong nuôi tôm là một vấn đề phức tạp, tốn nhiều thời gian, công sức mà vẫn không thể thực hiện được. Từ đó Minh Phú đã sáng kiến ra Mô hình Công ty Cổ phần Doanh nghiệp Xã hội (DNXH) để liên kết các hộ nuôi tôm lại thành Công ty Cổ phần DNXH chuỗi liên kết nuôi tôm mà ở đó: Các hộ nuôi tôm vẫn nuôi tôm trên chính mảnh đất của mình và bán sản phẩm tôm nuôi của mình cho DNXH.

Khi tham gia DNXH thì họ liên kết thành một chuỗi liên kết để dễ dàng truy xuất được nguồn gốc tôm nuôi, cũng như dễ dàng thực hiện dự án đánh giá chứng nhận quốc tế, từ đó thị trường được mở rộng, và hộ dân bán được sản phẩm với giá cao hơn và thu được nhiều lợi nhuận hơn.

Theo khoản 2, điều 25 của Luật Chứng khoán, công ty có từ 100 cổ đông trở lên và vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên sẽ chịu điều chỉnh bởi Luật chứng khoán và chịu sự kiểm soát của Ủy ban chứng khoán nhà nước. Tức là mỗi khi tăng hay giảm cổ đông thì phải xin phép Ủy ban chứng khoán nhà nước và phải được Ủy ban chứng khoán nhà nước phê duyệt. Điều này không thể thực hiện được với Công ty cổ phần DNXH chuỗi liên kết nuôi tôm. Vì thế Minh Phú đề nghị Chính phủ cho phép Công ty cổ phần DNXH chuỗi liên kết nuôi tôm không thuộc diện quản lý và điều chỉnh của Luật chứng khoán.

Vấn đề bảo hiểm trong nuôi tôm

Nuôi tôm theo công nghệ 2-3-4 của Minh Phú hay công nghệ nuôi 3 sạch của CP với tỷ lệ thành công trên 30%/vụ nuôi, mỗi năm nuôi được 3-5 vụ nên lợi nhuận đạt từ 90% đến 150%/năm. Tuy nhiên, trong những năm qua, ngành nuôi tôm không huy động được nguồn vốn của các ngân hàng cũng như nguồn vốn của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để đầu tư phát triển ngành nuôi tôm, dẫn đến nguồn cung tôm nguyên liệu chỉ đáp ứng được 30-50% nhu cầu tôm nguyên liệu của các nhà máy chế biến tôm. Để giải quyết được điểm nghẽn này, ông Quang kiến nghị Chính phủ khởi động lại chính sách bảo hiểm cho nuôi tôm.

Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho ngành tôm

Ngành tôm đang thiếu nguồn nhân lực trầm trọng, nhất là nguồn nhân lực được đào tạo. Để giải quyết  được điểm nghẽn này, Minh Phú kiến nghị các trường công nhân kỹ thuật nghề thủy sản chuyển về cho Bộ NN&PTNT quản lý.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm