Xuất khẩu thủy sản tăng hơn 60% trong tháng 1/2024

Ước tính, tháng 1/2024, xuất khẩu thủy sản đạt 730 triệu USD, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản đang đối diện với nhiều khó khăn

Xuất khẩu thủy sản thu về 730 triệu USD tháng đầu năm

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính tháng 1/2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 730 triệu USD, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm 2023 do tháng 1/2023 trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán.

Xuất khẩu thủy sản

Xuất khẩu thủy sản tăng hơn 60% trong tháng 1/2024

Nhìn chung, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ cuối năm 2023 đã có tín hiệu phục hồi và nhiều khả năng sẽ tăng trở lại trong năm 2024, đặc biệt trong nửa cuối năm. Trong đó, xuất khẩu 2 mặt hàng thủy sản chủ lực là tôm và cá tra, basa sẽ phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2023.

Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2024, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tăng 10 – 15% so với năm 2023, đặc biệt là trong 6 tháng cuối năm, khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho tại các nhà nhập khẩu giảm, giá tôm tăng trở lại.

Trong khi ngành cá tra đặt mục tiêu phấn đấu có diện tích thả nuôi đạt 5.700 ha, sản lượng cá tra thương phẩm đạt khoảng 1,7 triệu tấn, trị giá xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, những căng thẳng trên Biển Đỏ đang gây ra không ít khó khăn trong quá trình vận tải hàng hóa xuất khẩu nói chung và hàng thủy sản nói riêng khi cước vận chuyển tăng cao. Giá bán đến tay người tiêu dùng tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng.

Tại cuộc họp thảo luận giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu do tình hình tại Biển Đỏ diễn ra mới đây, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho hay, căng thẳng Biển Đỏ đang là vấn đề quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, bởi bên cạnh việc tác động làm tăng chi phí còn là những hệ lụy đi kèm.

Đáng chú ý, chúng ta cũng chưa biết được tình trạng căng thẳng Biển Đỏ sẽ còn kéo dài bao lâu. Việc này tác động đến những đơn hàng của tương lai, hoặc những chi phí mà doanh nghiệp cần phải tính toán vào trong giá thành sản phẩm.

Tính cho tổng chi phí trả cho 1 container hàng trong 1 tháng qua, cước phí vận chuyển đi Bờ Tây đang tăng 70%, nhưng hàng đi châu Âu đối với hàng đông lạnh đang tăng gần 4 lần. Cũng như các ngành hàng khác, cùng với khó khăn về suy giảm đơn hàng xuất khẩu, căng thẳng Biển Đỏ tạo thêm khó khăn cho các ngành hàng thủy sản.

“Các hãng tàu phần lớn chuyển tuyến đường đi vòng qua mũi Hảo Vọng, trong bối cảnh năm 2023 cả hàng nhập và hàng xuất giảm 30 - 40%, điều này đồng nghĩa với các hãng tàu đều sẽ cắt giảm tàu mẹ. Cộng với căng thẳng Biển Đỏ thì việc kéo dài thời gian vận chuyển từ châu Á đến châu Âu kéo dài 14 ngày, như vậy, độ trễ tăng thêm gấp đôi”, ông Nguyễn Hoài Nam nói.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn nhận được nhiều thông tin hơn liên quan đến tình hình Biển Đỏ để có thể chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, điều mà các doanh nghiệp xuất khẩu và các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm nhất đó là sự chung tay, hỗ trợ của các hãng tàu, bởi đây là một trong những mắt xích quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Xuất khẩu tôm đi Hoa Kỳ đối mặt khó khăn mới

Bên cạnh căng thẳng Biển Đỏ đầu năm 2024 khiến giá cước vận tải biển đi Hoa Kỳ tăng, mới đây, Hiệp hội Chế biến tôm Hoa Kỳ (ASPA) - một tổ chức đại diện cho quyền lợi của ngành khai thác tôm tự nhiên và chế biến tôm của Hoa Kỳ - đã nộp đơn đề nghị áp thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador và Indonesia, và thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.

Chưa rõ kết quả như thế nào, nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng trong năm nửa đầu năm 2024.

Liên quan đến vụ việc này, VASEP đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ tích cực trong vụ điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ đối với ngành tôm Việt Nam để ngành tôm có thể vượt qua các giai đoạn điều tra trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sau đó đã yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, quyết định việc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý đại diện và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh.

Trước khởi xướng điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ với tôm Việt Nam, VASEP khuyến nghị các doanh nghiệp cần chuẩn bị mọi mặt và tích cực để đáp ứng yêu cầu hồ sơ từ phía Hoa Kỳ. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, nắm quy định, thủ tục điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của vụ việc, phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội và Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc.

"Thị trường lớn như Hoa Kỳ khó tránh khỏi những thách thức, càng đòi hỏi các doanh nghiệp thủy sản trong đó có tôm phải luôn linh hoạt thích ứng và cần phải có những kịch bản cho nhiều tình huống xảy ra", VASEP khuyến nghị.

Theo congthuong.vn

Chia sẻ:


Email: tannd@vasep.com.vn
Điện thoại

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục