Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ: Cách nào trở lại “đường đua”?

Thị trường Mỹ có dấu hiệu cải thiện nhu cầu tiêu dùng, tồn kho sản phẩm giảm mang lại triển vọng tốt cho xuất khẩu thủy sản quay trở lại đường đua.

Thị trường có dấu hiệu “sáng”

Theo ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tính đến hết quý III/2023 Việt Nam xuất khẩu 1,16 tỷ USD thủy sản sang thị trường Mỹ, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là thị trường có kim ngạch giảm mạnh nhất trong số các thị trường xuất khẩu của ngành. Hiện trạng khó khăn này có thể được cải thiện trong thời gian tới do có những chỉ dấu sáng.

Tại Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 10/2023 diễn ra gần đây, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ thông tin: Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đang lên kế hoạch mua 5,96 triệu pound phi lê cá da trơn đông lạnh để sử dụng trong các chương trình phân phối thực phẩm trong nước và đang yêu cầu ngành công nghiệp thủy sản nộp thầu.

Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ: Cách nào trở lại “đường đua”?

Ngày 31/8, Bộ Thương mại Mỹ ban hành kết luận sơ bộ đợt rà soát lần thứ 19 đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu trong giai đoạn từ 1/8/2021 đến 31/7/2022. Theo đó, xác định mức thuế chống bán phá giảm mạnh so với kỳ rà soát trước đó. Đây là tín hiệu tích cực đối với triển vọng xuất khẩu cá tra sang Mỹ, cụ thể số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang thị trường này sẽ tăng lên do giảm được chi phí.

Bộ Nông nghiệp Mỹ đã tiến hành thanh tra về hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đối với cá tra Việt Nam đạt kết quả khả quan, chỉ ghi nhận một số lỗi nhỏ không mang tính hệ thống. Đây cũng là yếu tố quan trọng có tác động tích cực đến xuất khẩu cá tra sang Mỹ.

Tỷ lệ tồn kho sản phẩm của công ty tại các nhà phân phối, bán lẻ ở Mỹ đã giảm về mức trung bình, cùng với đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tiếp tục được cải thiện. Những yếu tố này cùng với thời điểm mùa lễ hội cuối năm có thể kích thích các doanh nghiệp tại đây gia tăng tích trữ hàng tồn kho trở lại sẽ là cơ hội cho xuất khẩu thủy sản nói chung. “Thị trường đang có dấu hiệu tốt dần lên trong quý IV, do vậy, nếu không có biến động khác và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm mạnh, dự báo xuất khẩu thuỷ sản sẽ tiếp tục được cải thiện”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho hay.

Khuyến nghị từ Thương vụ

Bên cạnh những chỉ dấu sáng mở ra cơ hội hồi phục cho xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, ông Đỗ Ngọc Hưng cũng chỉ ra những thách thức doanh nghiêp phải vượt qua.

Trong đó, Mỹ áp dụng rất nhiều chính sách bảo hộ phi thuế quan, trong khi đó cá tra của Việt Nam vẫn bị áp thuế chống bán phá giá và luôn nguy cơ bị kiện chống bán phá giá. Gần đây mặt hàng tôm thuộc diện xem xét điều tra về trợ cấp.

Hàng hóa của Việt Nam, trong đó có thủy sản chưa tiếp cận đến kênh khách hàng cuối cùng, chủ yếu phân phối qua trung gian hoặc hệ thống bán lẻ của nhóm châu Á. Vấn đề Logistics vận chuyển cũng khiến sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam bị giảm sút.

Để gia tăng kim ngạch, giúp thủy sản của Việt Nam trở lại đường đua xuất khẩu sang Mỹ, Thương vụ Việt Nam ở thị trường sở tại khuyến nghị cụ thể.

Theo đó, đối với cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội ngành hàng, tăng cường đàm phán và ký kết các hiệp ước, hiệp định để hạn chế biện pháp phi thuế quan đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Thúc đẩy mở cửa thị trường cho những sản phẩm tiềm năng như cá ngừ, mực và bạch tuộc.

Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển thương hiệu sản phẩm cho mặt hàng thế mạnh như tôm, cá da trơn, cá rô phi để tiếp tục mở rộng thị trường tới các bang/tiểu bang mà sản phẩm của Việt Nam chưa có mặt.

Thường xuyên cập nhật xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp và hiệp hội để có kế hoạch ứng phó hiệu quả, có chiến lược kinh doanh hợp lý và thận trọng.

Tăng xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của thị trường bởi Mỹ là quốc gia đa sắc tộc với đa dạng nhu cầu và thói quen tiêu dùng với phổ phân khúc sản phẩm theo giá thành rất rộng do mức độ chênh lệch thu nhập trong các tầng lớp dân cư, nhu cầu tiêu dùng cả hàng cao cấp lẫn bình dân.

Doanh nghiệp tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng hàng giá rẻ, đảm bảo chế độ ghi chép kế toán rõ ràng, tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán quốc tế; thắt chặt kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lô hàng thuỷ sản xuất khẩu sang Mỹ, tuyệt đối không để các lô hàng có chất lượng kém, không đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn được xuất khẩu, ảnh hưởng uy tín/hình ảnh sản phẩm.

Tham gia các hội chợ trực tuyến và trực tiếp để có thông tin về thị trường. Thường xuyên cập nhật tin tức, cung cầu thị trường để tận dụng các cơ hội mới. Doanh nghiệp hướng đến sản xuất các sản phẩm chế biến như tôm hấp, bóc vỏ rút chỉ lưng phục vụ phân khúc bán lẻ, phân khúc thị trường đang có nhiều tiềm năng để nâng cao khả năng cạnh tranh với các quốc gia Ecuador, Ấn Độ khi sản phẩm chế biến của các quốc gia này còn hạn chế.

Đặc biệt, lưu giữ đầy đủ hồ sơ quá trình sản xuất, chế biến để truy xuất thông tin và phục vụ các đợt thẩm tra tại chỗ của các cơ quan chức năng của Mỹ...

Theo báo Công thương

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục