Xuất khẩu hàng hóa trong tháng 10 dù lấy lại đà hồi phục, nhưng tính chung 10 tháng vẫn tiếp tục tăng trưởng âm. Trong khi đó, sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu vẫn đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, sẽ còn tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới khi nước ta là nền kinh tế có độ mở lớn.
Chế biến thủy sản xuất khẩu ở Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex (Hậu Giang). Ảnh: Trần Quốc
Tín hiệu vui là lạm phát đã có xu hướng hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu,… tồn kho tại các nước đang giảm dần. Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng thường tăng cao vào dịp lễ hội cuối năm, kỳ vọng sẽ tiếp thêm sức cho đà hồi phục của xuất khẩu.
Một số điểm sáng
Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt gần 4 tỷ USD, xác lập kỷ lục mới khi vượt mốc 3,67 tỷ USD của năm 2022. Bộ Công thương ước tính cả năm 2023, Việt Nam sẽ xuất khẩu được khoảng 8 triệu tấn gạo, tương đương kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD. Ðây là thắng lợi lớn nhất của xuất khẩu gạo từ trước đến nay. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, giá gạo Việt tiếp tục thiết lập cao điểm mới khi lần đầu tiên đạt mức 663 USD/tấn cho gạo 5% tấm, bỏ xa gạo cùng cấp của Thái Lan và Pakistan. |
Nhiều sản phẩm khác của ngành nông nghiệp như rau quả, cà-phê, hạt điều,… cũng đóng góp ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu cả nước. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản trong tháng 10 ước đạt 3 tỷ USD, tăng 18,3% so cùng kỳ năm 2022. Ðây cũng là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng dương tính chung 10 tháng, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26,7 tỷ USD, tăng 3,8%.
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản các loại qua Lối mở Cầu phao Km3+4 Hải Yên (Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Quảng Ninh) từ đầu năm đến nay tăng mạnh so cùng kỳ năm 2022; tổng sản lượng xuất khẩu đạt 653,8 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD (tăng gần 3,9 lần về kim ngạch, tương đương 868 triệu USD).
Ðiều này cho thấy chúng ta đang thực hiện tốt các giải pháp về xuất khẩu sang các nước có chung đường biên giới, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ðây cũng là thị trường xuất khẩu duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương (tăng 5%).
Về tổng thể, sau mức sụt giảm trong tháng 9 (giảm 6,3%), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 10 đã lấy lại được đà tăng trưởng, ước đạt 32,3 tỷ USD, tăng 5,3% so tháng trước. Suy giảm xuất khẩu từ đầu năm đến nay cũng ngày càng được thu hẹp (10 tháng giảm 7,1% so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023) là sự hồi phục tương đối tích cực.
Tính chung 10 tháng, mức giảm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước chỉ bằng 50% mức giảm của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô (giảm 4,1% so với mức giảm 8,1%), khẳng định những nỗ lực không ngừng nghỉ của khu vực kinh tế trong nước để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn. |
Ðặc biệt, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu trong tháng 10 cũng tiếp tục tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước, ước đạt 26,09 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm tỷ trọng 89% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước, phản ánh những dấu hiệu phục hồi trong sản xuất công nghiệp.
Thêm một điểm sáng khác, so với cùng kỳ năm 2022, tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 10 của khu vực kinh tế trong nước đang cao gấp 3 lần so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Bộ Công thương đánh giá, các doanh nghiệp đã thực hiện tốt việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường. Theo đó, trong khi xuất khẩu sang các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU đều giảm thì xuất khẩu sang các nước châu Phi, Ðông Âu, Bắc Âu, Tây Á vẫn tăng.
Vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn
Ông Ðỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ thông tin: Bộ Nông nghiệp Mỹ đang lên kế hoạch mua lượng lớn phi lê cá da trơn đông lạnh để sử dụng trong các chương trình phân phối thực phẩm trong nước.
Ngày 31/8 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành kết luận sơ bộ đợt rà soát lần thứ 19 đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam, xác định mức thuế chống bán phá giảm mạnh so với kỳ rà soát trước đó. Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã tiến hành thanh tra về hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đối với cá tra Việt Nam với kết quả khả quan, chỉ ghi nhận một số lỗi nhỏ không mang tính hệ thống. Ðây là những tín hiệu tốt đối với triển vọng xuất khẩu cá tra sang Mỹ thời gian tới.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam từ đầu năm đến nay với kim ngạch ước đạt 78,65 tỷ USD, giảm tới 15,8% so cùng kỳ năm 2022. Cùng với Trung Quốc, nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi, lạm phát có xu hướng hạ nhiệt, tồn kho giảm dần, kỳ vọng sẽ tác động tốt đến hoạt động xuất khẩu của nước ta.
Theo Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ ngày 26/10 vừa qua, tốc độ tăng trưởng GDP quý III của nước này tăng 4,9%, cao hơn mức tăng trưởng quý II (2,1%) và cao hơn mức dự báo (4,7%), đồng thời là mức tăng mạnh nhất trong gần 2 năm. Trong đó, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý III đến từ lĩnh vực tiêu dùng: Tiêu dùng quý III tăng 4%, là mức tăng mạnh nhất kể từ quý IV/2021. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, người tiêu dùng Mỹ mặc dù mở rộng chi tiêu cho dịch vụ ăn uống, chăm sóc sức khỏe, nhưng lại giảm chi tiêu tại các cửa hàng điện tử, đồ gia dụng - vốn là những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam.
Trên bình diện rộng hơn, tình hình kinh tế, thương mại toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro; nguy cơ suy thoái kinh tế vẫn chờ chực, khiến lạm phát và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao, làm nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Mặt khác, việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn cung sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhưng ở chiều ngược lại, quá trình đầu tư mới các nhà máy sản xuất ở một số nước như Ấn Ðộ, Mexico, Brazil,… cũng làm gia tăng đối thủ cạnh tranh, ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu chính. Trong khi các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong phục hồi sản xuất; các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá; rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu,… phục vụ sản xuất.
Từ những rủi ro, thách thức nêu trên, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương và nhất là cộng đồng doanh nghiệp không được lơ là, chủ quan; cần theo dõi chặt chẽ tình hình biến động cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để sẵn sàng các phương án, giải pháp ứng phó kịp thời, phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đã đề ra. Nhằm tiếp sức cho xuất khẩu, Bộ Công thương cho biết sẽ tăng cường giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường lớn, đang phục hồi tốt như Mỹ và Trung Quốc.
Theo đó, Bộ Công thương đang chỉ đạo các bên liên quan nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam-Trung Quốc; đồng thời phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới.
Ngoài ra, Bộ tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu, song song với việc nhanh chóng hoàn tất và đưa vào thực thi hiệp định thương mại mới với các đối tác còn nhiều tiềm năng để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Theo Bộ Công thương, do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu nên cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 10 tiếp tục xuất siêu khoảng 3 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 10 tháng năm 2023 là 24,61 tỷ USD (cùng kỳ năm 2022 xuất siêu 9,56 tỷ USD). Xuất siêu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ lớn cho cán cân thanh toán quốc tế. |
Theo báo Nhân dân