Kinhtedothi - Chiều 8/5, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức ký thỏa thuận hợp tác với 19 hiệp hội doanh nghiệp, đồng thời tổ chức tọa đàm "Đầu tư và thương mại quốc tế trong thế giới đầy biến động – Doanh nghiệp cần làm gì"?
Theo đó, VIAC đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 19 hiệp hội ngành hàng và hiệp hội địa phương tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc gồm: Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Hiệp hội Da giày – túi xách Việt Nam, Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội...
Trong định hướng phát triển của VIAC thời gian tới, hiệp hội doanh nghiệp là đối tác quan trọng mà VIAC mong muốn được hợp tác cùng, với những hoạt động phối hợp thực chất hơn, hệ thống hơn và huy động được nhiều nguồn lực đến từ VIAC, từ các Hiệp hội và từ cả các tổ chức quốc tế.
Trong đó, có thể kể đến các hoạt động như: Hỗ trợ pháp lý, tham gia giải quyết các khiếu nại, tranh chấp trong thực hiện hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện, khả năng của mỗi bên; Phối hợp thực hiện phản biện, góp ý kiến về pháp luật, chính sách liên quan đến lĩnh vực và hoạt động của doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội;
Phối hợp tổ chức các hội thảo, tọa đàm, các khóa đào tạo, tập huấn trao đổi kinh nghiệm về đàm phán, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng; xử lý rủi ro, tranh chấp về hợp đồng; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh và những nội dung cần thiết khác theo yêu cầu của các doanh nghiệp; Phối hợp biên soạn và giới thiệu các ấn phẩm, chuyên đề, bài viết, thông tin phù hợp với hoạt động của hai bên; Phối hợp, chia sẻ thông tin trong các hoạt động hợp tác quốc tế mà hai Bên cùng quan tâm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên.
Đại diện cho các hiệp hội ký kết, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân cho hay, trong bối cảnh hội nhập, bên cạnh việc nâng cao năng lực quản trị thì doanh nghiệp cần nâng cao năng lực pháp lý, phòng ngừa rủi ro và giải quyết tranh chấp.
Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý đến vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, để cùng với chức năng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường, phát triển kinh doanh thì hiệp hội sẽ trở thành đầu mối để tập hợp những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, tham gia vào việc tư vấn chính sách, pháp luật và hỗ trợ giải quyết các tranh chấp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp, hội viên.
Theo Kinh tế Đô thị