Rộng mở cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ năm 2024

Mỹ là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2024, tiềm năng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này được nhiều chuyên gia đánh giá ngày càng rộng mở, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng thị phần.

Tín hiệu khả quan ngay từ đầu năm

Những ngày đầu tháng 1/2024, Công ty Vina T&T Group đã xuất khẩu 2 container nước mắm Khải Hoàn, Thanh Quốc sang Mỹ. Trong ngày 5/1, Công ty tiếp tục xuất khẩu lô 6 tấn xoài tượng xanh đầu tiên của huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) sang thị trường Australia và Mỹ.

Tổng Giám đốc Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng chia sẻ: hiện công ty đã xuất khẩu nhiều mặt hàng thành công sang thị trường Mỹ như bưởi da xanh, thanh long, xoài, chôm chôm, vải, nhãn, vú sữa, dừa... Điều này đã tạo nền móng vững chắc để xây dựng thương hiệu cho các nông sản đặc sắc Việt Nam đi xa hơn trên thế giới. Trong năm 2024, trái bưởi và dừa sẽ được Vina T&T tập trung phát triển tại tất cả các thị trường chủ lực.

Lạc quan về thị trường Mỹ năm 2024, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài cho rằng, thị trường Mỹ phục hồi góp phần thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng khả quan hơn trong năm 2024, bởi trị giá xuất khẩu sang thị trường này chiếm 53,7% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Bên cạnh đó, tỷ lệ hàng tồn kho tại Mỹ giảm dần, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng sản phẩm gỗ vào thị trường này trong thời gian tới.

TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, dù kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng từ sự ảm đạm của kinh tế toàn cầu, tiêu dùng suy giảm, song các nhà mua hàng ở Mỹ vẫn xác định Việt Nam là thị trường cung ứng quan trọng. Mỹ muốn đa dạng chuỗi cung ứng, coi trọng vai trò và vị trí của Việt Nam trong khu vực.

Trên thực tế đã xuất hiện xu hướng rõ nét khi các Tập đoàn lớn của Mỹ như Intel, Apple, Google, Boeing, Walmart… nghiên cứu, đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam nhằm đảm bảo tính ổn định trong dài hạn của toàn chuỗi. Đặc biệt, chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam và sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện được đánh giá tạo cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Những thuận lợi và thách thức

Theo TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), với thị trường Mỹ, năm 2024 lạm phát dự kiến sẽ được kiểm soát sớm. Mỹ là nước nhiều dầu và khí, thị trường này phục hồi tốt hơn EU.

Chế biến tôm xuất khẩu tại một nhà máy. Ảnh minh họa

Chế biến tôm xuất khẩu tại một nhà máy. Ảnh minh họa

Bên cạnh các mặt thuận lợi, hiện các thách thức khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ là không nhỏ. Theo đó, Mỹ ban hành nhiều chính sách bảo hộ thương mại để bảo vệ các lợi ích của các doanh nghiệp trong nước khi các sản phẩm từ Việt Nam chiếm thị phần, cạnh tranh mạnh với doanh nghiệp Mỹ. Các rào cản phi thuế quan có thể làm hạn chế tiếp cận thị trường và tăng chi phí cho các doanh nghiệp Việt Nam, giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định, bước sang năm 2024, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đã có nhiều yếu tố tích cực hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá. Cục Dữ trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã đưa ra những thông điệp ngừng tăng lãi suất và tiến tới xem xét giảm lãi suất trong năm 2024. Vấn đề hàng tồn kho cao tại Mỹ và nhiều thị trường đang dần được khắc phục. Đây là những thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.

Với những khó khăn và thuận lợi được dự báo cho năm 2024, để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung, xuất khẩu sang thị trường Mỹ nói riêng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các hiệp định.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin thị trường trên nền tảng số cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng và triển khai các triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại các thị trường mục tiêu.

Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới; triển khai thực thi các chiến lược, chương trình hành động về xuất nhập khẩu hàng hoá, phát triển dịch vụ logistics, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản thương mại mới tại các thị trường nhập khẩu.

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Mỹ đạt gần 111 tỷ USD (năm thứ 3 liên kim ngạch đạt trên 100 tỷ USD). Với tốc độ tăng trưởng thương mại trung bình trên 20%/năm, Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay và trong những năm tới.

Theo Kinh tế đô thị

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục