Đến lúc xây thương hiệu thủy sản của riêng Việt Nam

Xây dựng thương hiệu thủy sản Việt Nam đã được đề ra từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa làm được nên các chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải thực hiện điều này.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, trong khoảng 15 năm qua, câu chuyện thương hiệu và làm thế nào để xây dựng thương hiệu thủy sản Việt Nam đã được các doanh nghiệp hội viên VASEP đề cập tới và đề xuất rất nhiều dự án. Tuy nhiên, đến nay, tất cả những đề xuất này chỉ mới dừng ở mức độ bàn bạc và chưa đi đến được sự thống nhất cách thức triển khai.

Chính vì chưa có thương hiệu nên tuy là nước xuất khẩu thủy sản đứng hàng thứ 3 trên thế giới và đã xuất khẩu tới hơn 160 thị trường, nhưng thủy sản Việt Nam gần như vẫn chưa được người tiêu dùng ở các thị trường nhập khẩu biết tới.

Theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Le Group, thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu ra nước ngoài chủ yếu được phân phối dưới thương hiệu của nhà nhập khẩu hay nhà bán lẻ. Vì vậy, hầu hết người tiêu dùng chưa biết tới thương hiệu thủy sản Việt Nam.

Chú thích ảnh

 Đã đến lúc phải xây dựng thương hiệu thủy sản Việt Nam

Có thể lấy minh chứng từ mặt hàng cá tra. Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, cho biết, với sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn, Việt Nam hiện chỉ còn chiếm 25% tổng sản lượng cá tra toàn cầu, nhưng lại chiếm tới trên 95% về xuất khẩu cá tra trên thế giới.

Tuy nhiên, cá tra Việt Nam khi xuất khẩu ra nước ngoài chủ yếu được tiêu thụ trong các nhà hàng, mà các chủ nhà hàng lại thường gọi cá tra bằng những cái tên do họ tự nghĩ ra theo hướng “hoành tráng” hơn. Điều này khiến cho mức độ nhận diện của người tiêu dùng đối với cá tra Việt Nam bị hạn chế.

Trong khi đó, cá tra Việt Nam có nhiều điểm mạnh để xây dựng thương hiệu. Trước hết, ngành cá tra Việt Nam đã phát triển qua nhiều năm, và đang có vai trò ngày càng quan trọng hơn trong nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp, cở sở nuôi cá tra của Việt Nam đã chủ động lấy các chứng nhận bền vững như ASC. Hiện đã có 44 vùng nuôi cá tra Việt Nam được cấp chứng nhận ASC.

Chú thích ảnh

Xuất khẩu cá tra Việt Nam dù tăng đáng kể trong thời gian qua, song mức độ nhận diện vẫn chưa cao

Ở từng khâu trong chuỗi giá trị cá tra từ sản xuất cá giống, nuôi cá thương phẩm, chế biến, xuất khẩu, đều đang được các doanh nghiệp quan tâm nỗ lực đạt được theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, trách nhiệm xã hội để mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Về phát triển bền vững, nuôi trồng thủy sản nói chung có dấu chân carbon (tổng lượng phát thải khí nhà kính đến từ quá trình sản xuất) thấp hơn nhiều so với chăn nuôi, đánh bắt thủy sản. Trong đó, nuôi cá tra được đánh giá là có dấu chân carbon ở mức thấp trong nuôi trồng thủy sản.

Về chất lượng cá tra, nhận xét của các đầu bếp chuyên nghiệp cho hay, khi nấu, thịt cá tra hòa quyện vào các món ăn rất tốt vì không nặng mùi thủy sản, rất phù hợp dùng cho trẻ con hay những người chưa quen ăn thủy sản.

Có nhiều lợi thế như vậy, nhưng do chưa xây dựng được thương hiệu, cá tra Việt Nam không những bị hạn chế về nhận diện đối với người tiêu dùng, mà còn hay bị nghi ngờ về chất lượng sản phẩm, nhất là những khi bị truyền thông bôi nhọ. Vì vậy, đến nay, ở nhiều thị trường, cá tra vẫn đang bị mặc định là cá giá rẻ, chất lượng thấp.

Trước những thực tế đó, ông Lê Quốc Vinh cho rằng, đã đến lúc phải xây dựng thương hiệu chung cho ngành thủy sản Việt Nam.

Thương hiệu sẽ giúp thay đổi hình ảnh thủy sản Việt Nam trong mắt người tiêu dùng quốc tế, xây dựng sự nhận diện trên thị trường, giúp nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản Việt Nam, phát triển thị trường xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ phát triển thương hiệu, hình ảnh, uy tín của các doanh nghiệp.

 Thùy Linh (Theo báo Nông nghiệp Việt Nam

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục