Cơ hội để phục hồi xuất khẩu thủy sản

Xuất khẩu thủy sản nước ta gặp nhiều khó khăn, nhưng đến những tháng cuối năm 2023, tiềm năng xuất khẩu tại một số thị trường đang có cơ hội khởi sắc. Nhiều sản phẩm thủy sản được các nước ưa chuộng và tăng trưởng đáng kể.

Cơ hội để phục hồi xuất khẩu thủy sản

Giá trị xuất khẩu đa số mặt hàng thủy sản nước ta đều thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Nhật Hồ

Đối diện nhiều khó khăn

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, việc xuất khẩu qua Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Hàn, Australia lao dốc khiến kim ngạch 10 tháng chỉ đạt 7,4 tỉ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm 10 tháng đạt 2,8 tỉ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái; cá tra đạt 1,5 tỉ USD, giảm 29%; cá ngừ khoảng 693 triệu USD, giảm 22%. Mực, bạch tuộc, cua ghẹ, giáp xác và thủy sản khác giảm từ 9-15% so với cùng kỳ 2022.

Mỹ - thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam có kim ngạch nhập giảm 32% trong 10 tháng và chỉ đạt 1,3 tỉ USD. Thị trường lớn thứ 2 là Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản sang đây cũng giảm 15% so với cùng kỳ, đạt 1,3 tỉ USD. Các thị trường còn lại là Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia giảm 14-21%.

VASEP cho biết, trong hơn một năm qua, ngành thủy sản đã trong tình trạng dư thừa tôm trên toàn thế giới. Tuy nhiên, dự báo tình hình tiêu thụ và nhập khẩu tại Mỹ sẽ khả quan hơn trong tháng 11 và 12 này.

Với ngành hàng cá tra, Hiệp hội cho rằng, nhu cầu sản phẩm này ở Trung Quốc giảm mạnh, nhưng doanh số bán phi lê cá tra tẩm bột đang có dấu hiệu tốt hơn.

Tại Mỹ, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đang tìm mua 5,96 triệu pound (1 pound tương đương 0,453kg) phi lê cá tra, cá da trơn đông lạnh để sử dụng trong các chương trình phân phối thực phẩm trong nước. Đây là thương vụ mua cá da trơn lớn thứ hai của bộ vào năm 2023, sau thương vụ mua 6,2 triệu pound phi lê cá da trơn chưa tẩm bột với tổng trị giá 41,8 triệu USD vào tháng 3.

Cơ hội nào cho ngành thủy sản nước ta?

Theo các chuyên gia thủy sản, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8.2020 đã mang lại nhiều ưu đãi, tạo thêm sức cạnh tranh cho hàng thủy sản của Việt Nam và là cơ hội để các doanh nghiệp Việt xuất khẩu trực tiếp vào thị trường châu Âu.

Dù đối diện nhiều khó khăn nhưng một số mặt hàng thủy sản nước ta đang được nhiều nước ưa chuộng. Trong khi xuất khẩu của Philippines sang thị trường Ba Lan giảm liên tục thì xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam lại đang khởi sắc. Trong số các sản phẩm cá ngừ xuất sang thị trường này, cá ngừ đóng hộp chiếm tỉ trọng lớn nhất hơn 83% và so với cùng kỳ, nhóm sản phẩm này tăng mạnh 211%. Xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Anh qua 9 tháng vẫn tăng 48% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 5,5 triệu USD.

Với Canada, xuất khẩu cá ngừ sang đây trong tháng 9 đã đảo chiều tăng 44% so với cùng kỳ, cắt đà giảm 8 tháng liên tiếp. Qua 3 quý năm 2023, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt gần 23 triệu USD, giảm 47% so với cùng kỳ.

Một số thị trường cũng đang có cơ hội khởi sắc, đặc biệt là Trung Quốc. Giao thương của Trung Quốc với thế giới đã trở lại bình thường sau dịch COVID-19. Kinh tế Trung Quốc đang có tín hiệu tích cực và nhu cầu thủy sản tại thị trường này đang hồi phục.

Ngoài ra, vị thế địa lý, chi phí logistics giảm và ít hơn so với các nước khác là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp nên tăng xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm ở thị trường Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc... Doanh nghiệp cũng nên tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc bán hàng giá rẻ; lưu giữ đầy đủ hồ sơ quá trình sản xuất, chế biến để truy xuất thông tin và phục vụ các đợt thẩm tra tại chỗ các cơ quan chức năng của Mỹ.

Bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông VASEP - cho rằng, thời gian tới để tận dụng, phát huy tốt cơ hội từ thị trường Trung Quốc và tiềm năng của ngành thủy sản Việt Nam, hoạt động giao thương B2B cần được tăng cường hơn nữa, trong đó giao thương cấp địa phương cần được quan tâm hơn; cần có sự trao đổi, chia sẻ thông tin về nhu cầu và quy định thị trường, đặc biệt khi có những thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu...

Theo báo Lao động

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục