Các 'ông lớn' thủy sản và bài toán đổi chiến thuật kinh doanh để giữ vững lợi nhuận

(DNTO) - Trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ và EU đạt đỉnh, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang có xu hướng tăng giao thương với các thị trường gần để duy trì sản xuất và hạn chế tối đa những bất lợi cho doanh nghiệp.
 Các ông lớn thủy sản và bài toán đổi chiến thuật kinh doanh để giữ vững lợi nhuận
Với tình hình sụt giảm ở một số thị trường lớn, những “ông lớn” trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản sẽ phải thiết kế lại chiến lược để có thể đạt được mục tiêu đề ra. Ảnh: TL.

Trong tờ trình đại hội cổ đông thường niên 2023, ngày 26/4, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN (PAN Group)- một tập đoàn sở hữu những công ty hàng đầu về chế biến xuất khẩu nông lâm thủy sản, đánh giá năm 2023 được nhận định tương đối khó khăn, từ điều kiện kinh tế vĩ mô và sự sụt giảm sức cầu tiêu dùng, có thể khiến các mảng kinh doanh của PAN gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, tập đoàn xây dựng kế hoạch kinh doanh một cách thận trọng, đó là doanh thu hợp nhất và lợi nhuận hợp nhất tăng trưởng ở mức từ 8% -9% so với năm 2022.  

Cụ thể, với mảng xuất khẩu thủy sản, phía PAN nhìn nhận sẽ chịu ảnh hưởng khá lớn từ việc các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Trung Quốc, Anh "quay lưng" do lạm phát, biến động tỷ giá và thiếu hụt nguyên liệu. Trong đó, mảng cá tra của PAN sẽ chịu ảnh hưởng khá mạnh từ bối cảnh thị trường xuất khẩu cũng như điều kiện kinh doanh trong nước (nguồn cung và giá cá), dự kiến doanh thu giảm nhẹ 3-5% và lợi nhuận trước thuế suy giảm 15% - 20% so với năm 2022.  

Riêng với "vua tôm" Minh Phú (MPC), trong báo cáo thường niên 2023 công bố trong tháng 4/2023, điều làm dư luận chú ý khi đặt mục tiêu năm 2023 doanh thu đạt 17.985 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2022, lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.250,9 tỷ đồng, tăng 33%.  

Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc MPC, cho biết trong nhiều năm liên tiếp, Mỹ là "quán quân" tiêu thụ tôm của MPC, chiếm 34% tỷ trọng. Có thời điểm con số này lên gần tới gần 41%. Tuy nhiên, Mỹ cũng đồng thời cũng là thị trường “sóng gió” nhất với công ty này khi liên tiếp xảy ra các vụ kiện chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế,… 

Trong một động thái mới đây, “vua tôm” bất ngờ tuyên bố sẽ giảm tỷ trọng sang thị trường trọng điểm này vì chi phí quá cao, bào mòn gần hết lợi nhuận. Thay vào đó sẽ tập trung vào thị trường gần như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,...nhằm giảm chi phí vận chuyển và áp lực cạnh tranh.

“Thuế giảm có mấy % nhưng chi phí dội lên gấp nhiều lần. Trong kinh doanh chúng ta phải làm vì lợi nhuận. Thế nhưng hiện nay, bán hàng tại Mỹ không có lợi nhuận, thủ tục pháp lý phức tạp, thì tại sao chúng ta cứ phải bám trụ?”, ông Quang nói.

Tuy nhiên, MPC cũng cho hay, vẫn sẽ vẫn đảm bảo "nuôi dưỡng" hai thị trường lớn trên thông qua các sản phẩm cho khách hàng phân khúc cao cấp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm và mở rộng thêm các thị trường ngách, chiến lược xây dựng từ yếu tố sở trường, tiềm lực và đặc điểm nhà nhập khẩu... 

Về phần mình, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex), phân tích trong thời gian tới, Ecuador sẽ là đối thủ "đáng gờm" với các doanh nghiệp thủy sản.

Cụ thể, nếu như năm 2018, Ecuador đứng thứ 5 thế giới về nuôi tôm, nay đã giữ vị trí "ngôi vương". Kỳ tích này cùng với lợi thế gần vùng nguyên liệu thức ăn nuôi tôm, chiến lược con giống quốc gia thành công đã giúp giá thành tôm nuôi của Ecuador thấp nhất, rẻ hơn tôm Ấn Độ và Việt Nam khoảng 1 USD/kg. Qua đó, tôm Ecuador đang dẫn đầu ở EU, Trung Quốc, đánh dạt tôm Việt tại phân khúc sản phẩm cùng phẩm cấp.

Tại "sân chơi" lớn là Mỹ, Ecuador còn có lợi thế là chi phí vận chuyển thấp, giúp nâng dần thị phần ở thị trường này, dù trình độ chế biến mức trung bình. Trước sức ép cạnh tranh hiện hữu, ông Lực cho rằng doanh nghiệp phải “biết người, biết ta”, uyển chuyển trong sách lược thị trường, khách hàng, sản phẩm… để khả năng chế biến sâu, sở hữu chuỗi giá trị khép kín để không có nhiều áp lực quá lớn trong việc thiếu hụt nguyên liệu.

Theo đó, phải tính toán kỹ cho từng thị trường để đảm bảo hoạt động xuất khẩu có hiệu quả cao. Đơn cử như ở Mỹ, các doanh nghiệp nên tham gia cung ứng sản phẩm vào các hệ thống phân phối cao cấp. Còn Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia là thị trường gần, chị phí vận chuyển thấp sẽ giảm tăng ảo vào giá bán. Ở Tây Âu, doanh nghiệp cần đẩy mạnh tiêu thụ tôm có chứng nhận ASC để thâm nhập phân khúc thị phần tôm cấp cao...

“Mọi sự vật đều có hai mặt và luôn biến động. Ecuador đang nỗ lực nâng cao đẳng cấp chế biến, nếu chúng ta chậm chân thì thách thức cho con tôm sẽ khó khăn hơn gấp bội trong những năm tới”, ông Lực nhận định.

Theo Doanh nhân Trẻ

Chia sẻ:


Thu Hằng
Biên tập viên
Email: thuhang@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext.214

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục