(vasep.com.vn) Quý I/2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đạt 334 triệu USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2020. Sau khi tăng mạnh 36% trong tháng 3, XK sang thị trường này tăng vọt 64% trong tháng 4 đạt 149 triệu USD, đưa kết quả xuất khẩu sang Mỹ 4 tháng đầu năm 2021 lên 483 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020. Ước tính xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tháng 5/2021 tiếp tục tăng và dự báo xuất khẩu từ tháng 6 sẽ tăng mạnh hơn sau khi thị trường này mở cửa hoàn toàn từ 20/5/2021.
Tôm chế biến và cá tra phile có kim ngạch cao nhất
Trong tháng 4/2021, XK các mặt hàng chủ lực sang thị trường Mỹ đều tăng cao, trong đó tôm tăng 47% đạt 63,5 triệu USD, cá tra tăng mạnh nhất (tăng 136%) đạt 30,4 triệu USD, cá ngừ tăng 56% đạt trên 31 triệu USD, XK mực, bạch tuộc tăng 83%...
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2021, XK tôm sang Mỹ đạt 198 triệu USD, tăng gần 25% và chiếm 21% tổng XK của Việt Nam. Kim ngạch XK cá tra sang thị trường này đạt 102 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ và chiếm 21% tổng XK cá tra. Trong khi đó, Mỹ chiếm gần 42% tổng XK cá ngừ của Việt Nam với 94,5 triệu USD trong 4 tháng đầu năm, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tôm chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị XK thủy sản sang Mỹ, với 41%, cá tra chiếm 21%, các mặt hàng hải sản chiếm 38%.
Mỹ đang đứng đầu các thị trường nhập khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, cua ghẹ của Việt Nam và đứng thứ 2 nhập khẩu các mặt hàng cá biển.
Trong 4 tháng đầu năm nay có khoảng 220 DN XK thủy sản sang Mỹ, trong đó có 67 Công ty có doanh số XK từ 1 triệu USD trở lên. Top 3 DN chiếm tỷ trọng chi phối gồm Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (chiếm trên 13% kim ngạch), Công ty CP Vĩnh Hoàn, chiếm 8,6%, Công ty thủy sản Biển Đông chiếm khoảng 7,0%. Top 10 DN XK sang Mỹ (bảng dưới) chiếm gần 60% tổng giá trị XK thủy sản của cả nước sang thị trường Mỹ.
Top 10 sản phẩm thủy sản (theo mã HS8) trong bảng dưới đây chiếm 80% giá trị XK thủy sản sang Mỹ, trong đó, tôm thẻ, tôm sú chế biến chiếmtỷ trọng cao nhất với 21,2%, tiếp đến là cá tra phile đông lạnh chiếm gần 21%, cá ngừ vây vàng, đại dương dạng loin, cắt thanh, cube chiếm 8,9%, tôm thẻ tươi chiếm 7%, tôm tẩm bột chiếm 6,1%, cá biển phile đông lạnh chiếm 4,6%, tôm sushi chiếm 4,2%, cá ngừ hộp chiếm 2,5%, tôm thẻ thịt 2,5%...
Tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản sẽ tăng đột phá nửa cuối năm
Việc triển khai rộng rãi và nhanh chóng tiêm vắc xin chống dịch Covid ở Mỹ và gói kích thích kinh tế của Chính phủ nước này đã thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,5% trong quý I/2021. Do vậy, các đơn hàng thủy sản gia tăng không chỉ ở lĩnh vực bán lẻ mà cả ở phân khúc dịch vụ thực phẩm, nhà hàng, khách sạn.
Đến ngày 20/5/2021, tất cả 50 bang của nước Mỹ đã mở cửa trở lại dù ở các mức độ khác nhau, các nhà máy sản xuất hoạt động bình thường trở lại, nhiều siêu thị lớn của các hãng bán lẻ không còn hạn chế khách hàng, du lịch và bãi biển mở cửa đón khách… Đây là những tín hiệu của sự gia tăng mạnh mẽ hơn nữa về nhu cầu tiêu thụ và lượng nhập khẩu thủy sản của Mỹ từ nay đến cuối năm.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, quý I/2021, Mỹ NK 696 nghìn tấn thủy sản các loại, trị giá gần 5,5 tỷ USD, tăng 8% về cả khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2020 Mỹ đã NK 2,8 triệu tấn thủy sản, trị giá 21,4 tỷ USD, tăng 2,5% về khối lượng, nhưng lại giảm 2,5% về giá trị so với năm 2019.
Với đà tăng trưởng và sự hồi phục hiện nay, dự báo NK thủy sản của thị trường Mỹ năm 2021 sẽ tăng 6% về khối lượng đạt 2,9 triệu tấn, giá trị tăng 9% đạt 23,3 tỷ USD, cao hơn cả mức NK của những năm trước đại dịch Covid. Nhu cầu du lịch và ăn nhà hàng bị “kìm nén” trong một thời gian dài, sẽ “bùng nổ” trong những tháng tới do vậy về giá trị NK sẽ tăng mạnh hơn khối lượng. Do vậy, Mỹ sẽ là thị trường mục tiêu cho các nước XK trong thời gian tới, như Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Thái Lan.
(Lưu ý: Khi sử dụng lại thông tin từ bài viết, đề nghị ghi rõ "Nguồn: VASEP" và kèm đường link bài viết gốc)