Dự báo, quý II/2021 nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của EU không tăng

(vasep.com.vn) Trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU đạt 28,4 triệu USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2020. EU tiếp tục là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 19% tổng giá trị XK.
Dự báo quý II2021 nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của EU không tăng
Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU, Quý I/2019 - 2021

Trong số các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu sang EU, nhóm sản phẩm cá ngừ tươi, đông lạnh mã HS03 (trừ mã HS0304) tăng 64% và cá ngừ đóng hộp của Việt Nam tăng 27% so với cùng kỳ. Trái lại, xuất khẩu thịt/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304 giảm 6,4% và cá ngừ chế biến khác mã HS16 giảm 25%. Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực cho phép xóa bỏ thuế quan cho các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh (trừ thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304) và 11.500 tấn cá ngừ đóng hộp của Việt Nam, điều này đã tạo ra sức hút cho các sản phẩm này của Việt Nam đối với các nhà NK cá ngừ EU.

Tại thị trường EU, Việt Nam từ vị trí là nguồn cung cá ngừ ngoài khối EU lớn 7 năm 2020 đã vươn lên trở thành nguồn cung lớn thứ 4 vào đầu năm 2021.

Hiện Italy, Đức và Hà Lan là 3 nước nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam. Tác động của đại dịch Covid-19 vẫn khiến cho nguồn cung cá ngừ cho thị trường này bị hạn chế. Bên cạnh đó, trong bối cảnh chi phí vận chuyển tăng cao thì việc các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam được ưu đãi thuế quan theo hiệp định EVFTA đã khiến cho nhiều nhà nhập khẩu EU lựa chọn các nguồn cung cá ngừ từ Việt Nam.

Đáng chú ý trong quý này, XK cá ngừ của Việt Nam sang Italy tăng trưởng ngoạn mục liên tục trong cả 3 tháng đầu năm. Italy cũng là nước nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 2 trong khối EU. Theo số liệu thống kê của ITC, Việt Nam hiện đang là nguồn cung cá ngừ ngoài khối lớn thứ 3 cho thị trường Italy sau Indonesia và Trung Quốc. Italy hiện đang nhập khẩu rất nhiều cá ngừ tươi và đông lạnh của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm cá ngừ vây vàng xẻ tư (quarter) đông lạnh chiếm 76% tổng giá trị xuất khẩu.

Còn tại thị trường Đức, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm nay chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ. Việt Nam hiện là nguồn cung cá ngừ ngoài khối lớn thứ 4 sau Philippines, Thái Lan và Ecuador, chiếm 4,7% tổng giá trị nhập khẩu cá ngừ của thị trường này trong tháng 1/2021. Trong số các sản phẩm cá ngừ, Đức nhập khẩu nhiều các sản phẩm thịt/philê cá ngừ đông lạnh mã HS03048700 của Việt Nam, chiếm tới 92% tổng giá trị xuất khẩu.

Theo thống kê của Eurostat, các nước EU NK chủ yếu các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp trong năm 2020, chiếm tới 78%. Khi Covid-19 xảy ra, doanh số bán hàng của các nhà bán lẻ tăng vọt cùng với nhập khẩu. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm, xu hướng này đã đảo chiều và số liệu thống kê cho thấy nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của thị trường này trong quý 4 đã giảm mạnh chưa từng có. Trong cả năm 2020, Đại dịch Covid-19 đã khiến người tiêu dùng tích trữ nhiều cá ngừ đóng hộp. Nhưng khi mọi thứ đã lắng xuống và người dân Châu Âu đã biết chủ động chuẩn bị cho giãn cách xã hội, doanh số bán hàng của các nhà bán lẻ không tăng vọt như trước. Nhiều nhà NK đã trì hoãn việc nhập khẩu theo hợp đồng và trong nhiều trường hợp thậm chí không thực hiện bất kỳ giao dịch mua mới nào. Chính vì vậy mà sang năm 2021, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lan rộng tại các nước EU nhưng nhập khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp của EU trong tháng đầu năm cũng chỉ tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm 2020.

Dự báo, nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của EU trong những tháng tới sẽ không ở mức cao như cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, sau sự cố tại kênh đào Suez, việc vận chuyển hàng sang EU và nhập khẩu cá ngừ nguyên liệu bị gián đoạn, chi phí vận lại tăng cao... dự kiến sẽ khiến XK cá ngừ sang EU sẽ khó khăn trong thời gian tới.

Chia sẻ:


Nguyễn Hà
Chuyên gia thị trường Cá ngừ
Email: vanha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 216

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục