(vasep.com.vn) Kênh đào Suez (Ai Cập) bị phong tỏa gần 4 ngày khi tàu container khổng lồ Ever Green bị mắc cạn, nguyên nhân là do gió mạnh và bão cát tấn công khiến tàu đi chệch hướng. Các chuyên gia đã mất nhiều ngày để giải phóng con tàu container gây tắc nghẽn hoàn toàn tuyến đường thủy quá cảnh nối Châu Âu với khu vực Ấn Độ Dương (IO). Do đó, nguồn cung cá ngừ cho thị trường Châu Âu tạm thời bị gián đoán do phần lớn các lô hàng từ khu vực IO và Thái Bình Dương đều đi qua kênh đào này để tới Châu Âu. Các nhà kinh doanh cá ngừ EU đã cảm thấy lo ngại về điều này.
Vào ngày 23/3/2021, tàu vận chuyển container Ever Green từ Trung Quốc đến cảng Rotterdam, Hà Lan đã mắc kẹt ở kênh đào Suez, con đường dẫn nước nhân tạo trên mực nước biển ở Ai Cập nối biển Địa Trung Hải với biển Đỏ và IO. Theo Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA), vụ tai nạn xẩy ra sau khi tàu bị mất tầm nhìn do gió lớn, 40 hải lý và bão cát, tàu đã bị mất điện và mất lái. Con tàu này có trọng tải 224.000 tấn và dài khoảng 400m. Con tàu mang cờ Panama này có sức chở 20.000 container 20ft và 40ft. Sau khi sự cố xảy ra, một đầu tàu đã bị mắc vào 1 bên bờ kênh, đầu còn lại gần như chạm vào bờ đối diện.
Theo CNN, có ít nhất 160 tàu chở đầy hàng đã phải chờ đợi phía sau con tàu khổng lồ này. Còn theo BBC, trung bình mỗi ngày có khoảng 51 tàu sử dụng kênh đào này, và năm 2020 đã có tổng cộng 19.000 tàu đi qua kênh. Các chuyên gia đã mất 1 tuần để giải cứu con tàu.
Phần lớn các chuyến hàng cá ngừ đến EU đều được vận chuyển qua kênh đào Suez, đặc biệt là các chuyến hàng từ khu vực IO và Trung Tây Thái Bình Dương (WCPO). Sự chậm trễ trong việc giao các lô hàng cá ngừ đóng hộp có thể ảnh hưởng tới một số thị trường, đặc biệt là các thị trường mà các thương hiệu và các nhà bán lẻ không có nhà kho đủ lớn mà chỉ thực hiện giao – nhận hàng tức thời (JIT).
Ngoài ra, các lô hàng cá ngừ nguyên liệu thô vận chuyển đến Tây Ban Nha, Italy, hay Pháp cho các nhà máy sản xuất tại các nước này cũng đi qua tuyến đường thủy này. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của Tây Ban Nha, khi các kho lạnh của các nhà máy tại đây đã chứa đầy loin cá ngừ hấp được nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan tự trị 2021 (ATQ). Các nhà sản xuất đồ hộp khác phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung cá ngừ đông lạnh nguyên con hay loin cá ngừ từ khu vực IO hay WCPO có thể bị chậm trễ nếu chúng cũng vẫn hoạt động theo hệ thống JIT.
Một số thương nhân của Đức cho biết việc chậm trễ trong khâu vận chuyển này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung, đặc biệt là với những lô hàng cá ngừ được chuyên chở bởi Ever Given hay một trong số các hãng vận tải không thể quay trở lại để tìm cách thay thế.
Điều này cũng sẽ khiến các lô hàng mới chuẩn bị khởi hành từ các điểm cầu Châu Á cũng đã bị trì hoãn, và nhiều tàu đã hoãn khởi hành ít nhất một tuần để xem xét tình hình tiến triển và quyết định các tuyến vòng qua Nam Phi. Do đó, thời gian vận chuyển sẽ kéo dài hơn dẫn đến chi phí vận chuyển cao hơn.
Các chương trình khuyến mãi bán hàng của các nhà bán lẻ có thể bị gác lại do việc giao hàng muộn.