Xuất khẩu sang Châu Âu: Chứng nhận thủy sản bền vững (Tiếp)

(vasep.com.vn) Để tiếp cận thị trường thủy sản Châu Âu và mở rộng hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp cần cân nhắc đến việc cung cấp các sản phẩm bền vững. Tuy đây chưa phải yêu cầu bắt buộc ở tất cả thị trường, nhưng nhiều nhà bán lẻ đã yêu cầu chứng nhận bền vững đối với các sản phẩm thủy sản - đặc biệt là ở Tây Bắc Châu Âu. Cung cấp các sản phẩm được chứng nhận bền vững chính là chìa khóa quan trọng nếu doanh nghiệp muốn sản phẩm thủy sản của mình nổi bật và cạnh tranh trên thị trường châu Âu.

4. Tính bền vững xuyên suốt chuỗi cung ứng

Duy trì tính bền vững trong toàn bộ chuỗi cung ứng thủy sản không phải dễ dàng. Phần 4 sẽ giải thích cách thức hoạt động của quy trình chứng nhận, cũng như chỉ ra các thị trường cuối cùng chính cho thủy sản bền vững và các kênh phân phối giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm bền vững của mình đến Châu Âu.

Cách thức hoạt động của Quy trình chứng nhận tính bền vững

Vì có nhiều tiêu chuẩn chứng nhận thủy sản với cách thức hoạt động khác nhau, nội dung phần này sẽ cung cấp cho doanh nghiệp thông tin về các khía cạnh khác nhau của quá trình chứng nhận.

Lựa chọn tiêu chuẩn chứng nhận

Trước khi đăng ký chứng nhận, doanh nghiệp cần bắt đầu bằng việc đánh giá xem loại chứng nhận nào phù hợp và có lợi nhất cho doanh nghiệp. Sau đó, cần xem xét liệu doanh nghiệp có thể đáp ứng các yêu cầu của chứng nhận hay không; cần phân tích lợi ích - chi phí để xác định có thể chi trả cho các chi phí của chứng nhận hay không. Cần lưu ý rằng quá trình chứng nhận tốn nhiều thời gian cũng như chi phí và yêu cầu sự cam kết từ doanh nghiệp.

Để hiểu rõ đặc điểm của các tiêu chuẩn chứng nhận được GSSI phê duyệt, tham khảo Bảng 1 dưới đây.

Bảng 1: Đặc điểm của các tiêu chuẩn chứng nhận được GSSI phê duyệt, phù hợp với các nhà xuất khẩu của các nước đang phát triển

Tiêu chuẩn

Tiêu chuẩn đặt ra cho các loài cụ thể hay tiêu chuẩn chung cho nhiều loài?

Có công cụ nào doanh nghiệp tiềm năng có thể sử dụng để phân tích khoảng trống hiệu suất trước khi đăng ký chứng nhận không?

Các chi phí liên quan đến việc đăng ký chứng nhận

Có phí liên quan đến việc dán và sử dụng logo trên sản phẩm cuối cùng không?

Quá trình từ khi nộp đơn đến khi được chứng nhận (trung bình) diễn ra trong bao lâu?

MSC

MSC đặt ra 1 tiêu chuẩn cho đánh bắt bền vững.

Đối với các nghề cá, trang web của MSC có các công cụ đánh giá và cải thiện. Đối với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, “Chuỗi hành trình sản phẩm MSC – Hướng dẫn để được chứng nhận” đưa ra các chỉ dẫn về những điều doanh nghiệp cần để vượt qua một cuộc đánh giá.

Việc sử dụng các Tiêu chuẩn MSC là miễn phí, nhưng có các chi phí đánh giá đối với mỗi nhà chứng nhận.

Nếu đang sử dụng nhãn sinh thái MSC trên các sản phẩm hướng tới người tiêu dùng, các doanh nghiệp phải trả phí bản quyền dựa trên doanh thu của sản phẩm.

Đánh giá thủy sản trung bình mất 18 tháng, Chứng nhận Quy trình chuỗi sản phẩm MSC thường có thể được sắp xếp trong vài tuần.

BAP

BAP có các tiêu chuẩn cho từng phần chuỗi cung ứng nuôi trồng thủy sản, có những tiêu chuẩn riêng cho từng loài, những tiêu chuẩn khác chung cho nhiều loài.

BAP có hệ thống ứng dụng trực tuyến giúp cung cấp quy trình tự đánh giá cho doanh nghiệp.

 

Có phí đăng ký, phí đánh giá và phí chương trình cụ thể đối với từng tiêu chuẩn.

 

Không có thêm phí cấp logo sử dụng trên bao bì, vì những phí này đã được bao gồm trong phí chương trình được chi trả bởi cơ sở liên quan.

Từ khi hoàn thành đơn đăng ký đến khi nhận chứng chỉ thường mất từ 5-9 tháng.

Global G.A.P

Tất cả các tiêu chuẩn cụ thể về loài được tổng hợp, kết hợp hài hòa, tạo ra một tài liệu duy nhất áp dụng cho cá, động vật giáp xác, động vật thân mềm và rong biển.

Tất cả các tiêu chuẩn đều được tải xuống miễn phí, giúp người nộp đơn có thể tự đánh giá theo danh sách kiểm tra và đánh giá tình trạng của họ so với các yêu cầu.

 

Việc sử dụng tiêu chuẩn GGN là miễn phí, nhưng có các chi phí đánh giá đối với mỗi nhà chứng nhận.

Có một khoản phí đăng ký một lần cho các doanh nghiệp sử dụng logo và một khoản phí dựa trên số lượng.

 

Vào thời điểm nhà sản xuất đã thực hiện tất cả các tiêu chí, cần có ít nhất 3 tháng hồ sơ cho thấy việc thực hiện GLOBALG.A.P sẵn sàng cho một cuộc đánh giá.

ASC

ASC có các tiêu chuẩn cho các loài cụ thể. Hiện có 11 tiêu chuẩn trang trại bao gồm 23 nhóm loài, cũng như tiêu chuẩn chung ASC-MSC cho rong biển.

 

 

 

 

 

ASC công bố danh sách chuẩn bị cho việc đánh giá đối với các Tiêu chuẩn Trang trại trên trang web của ASC. Người nông dân có thể sử dụng danh sách này để xác định mức độ tuân thủ các Tiêu chuẩn.

 

Chi phí (và thời gian) của việc đánh giá chứng nhận sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ phức tạp, quy mô doanh nghiệp, cũng như chi phí di chuyển.

 

Bất kỳ công ty nào áp dụng logo ASC trên các sản phẩm hướng đến người tiêu dùng đều phải trả phí bản quyền, từ 0,5% giá trị bán buôn ròng của doanh thu bán thủy sản có dán nhãn ASC. Trong toàn bộ chuỗi cung ứng của một sản phẩm, phí bản quyền chỉ thu một lần.

Từ khi nộp đơn đến khi có quyết định chứng nhận mất khoảng 4-6 tháng.

Để chọn tiêu chuẩn phù hợp nhất, các doanh nghiệp cần hiểu rằng một số chương trình chứng nhận xác định một tiêu chuẩn cho nhiều loài, và có những tiêu chuẩn khác dành riêng cho các loài cụ thể. MSC đặt ra một tiêu chuẩn về đánh bắt bền vững và có một số sửa đổi cụ thể đối với một số loài nhất định. Tương tự, GLOBALG.A.P. xác định một tiêu chuẩn có thể áp dụng cho nhiều loài. BAP có tiêu chuẩn trang trại áp dụng cho nhiều loài, nhưng cũng có một số tiêu chuẩn trang trại dành riêng cho từng loài. ASC có các tiêu chuẩn dành riêng cho các loài cụ thể.

Đánh giá năng lực của các đối tác trong chuỗi cung ứng

Các tiêu chuẩn chứng nhận cũng đảm bảo tính bền vững trong các phần bộ phận của chuỗi cung ứng, có nghĩa là một số đối tác trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp cũng cần được chứng nhận. Do đó, doanh nghiệp phải đánh giá xem liệu các đối tác này có đủ năng lực để được chứng nhận hay không.

Doanh nghiệp cần hiểu rằng các tiêu chuẩn chứng nhận cung cấp sự đảm bảo trong chuỗi cung ứng theo những cách khác nhau. Ví dụ, MSC và ASC làm việc với Chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm. Tất cả các đối tác trong chuỗi cung ứng thuỷ sản cần được chứng nhận theo tiêu chuẩn Chuỗi hành trình sản phẩm. Tương tự, GLOBALG.A.P có một tiêu chuẩn Chuỗi hành trình sản phẩm riêng. Mặt khác, BAP có các tiêu chuẩn cho từng bộ phận của chuỗi cung ứng, bao gồm cả nhà máy chế biến.

Chuẩn bị cho các cuộc đánh giá

Đánh giá là một trong những phần tốn kém của quá trình chứng nhận và các doanh nghiệp cần tìm hiểu xem liệu họ có đủ khả năng trang trải các chi phí này hay không. Một trong những đặc điểm cơ bản khiến cho các tiêu chuẩn chứng nhận đáng tin cậy là chúng được đánh giá bởi các đánh giá viên bên ngoài; do đó, các đánh giá viên độc lập được gọi là Tổ chức chứng nhận.

Chi phí đánh giá do nhà sản xuất trả cho Tổ chức chứng nhận và việc thanh toán này được thực hiện bất kể kết quả quyết định chứng nhận thế nào. Một số tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản đưa ra các lựa chọn cho Chứng nhận Nhóm, để người nông dân có thể chia sẻ chi phí được chứng nhận.

Nắm rõ các quy định về sử dụng logo

Trong siêu thị, các sản phẩm cuối cùng được chứng nhận có dán logo hoặc nhãn. Một số tiêu chuẩn tính phí đối với việc sử dụng logo này, trong khi những tiêu chuẩn khác thì không. Đối với MSC và ASC, các công ty sử dụng nhãn sinh thái trên các sản phẩm hướng tới người tiêu dùng hoặc chủ sở hữu giấy phép phải trả phí hàng năm và phí bản quyền. Đối với BAP, không có phí đối với việc cấp phép logo. Đối với GLOBALG.A.P., có phí đăng ký và phí tính trên khối lượng cho việc sử dụng nhãn; và có các quy tắc khác nhau cho các bộ phận khác nhau trong chuỗi cung ứng.

Những lợi ích và chi phí liên quan đến chứng nhận bền vững

Lợi ích chính của việc cung cấp thủy sản được chứng nhận bền vững đó là các doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường bán lẻ Châu Âu, đồng thời đóng góp vào tính bền vững. Bên cạnh đó, chi phí chứng nhận cao và một số vẫn nghi ngờ, chỉ trích về tác động môi trường của các chương trình chứng nhận này.

Trước tiên, hãy xem xét một số lợi ích tiềm năng liên quan đến việc được chứng nhận:

  • Có khả năng tiếp cận thị trường các nhà bán lẻ châu Âu.
  • Sản xuất các sản phẩm chất lượng cao và tạo sự khác biệt cho các sản phẩm của doanh nghiệp.
  • Cải thiện năng lực và kỹ thuật của nhà sản xuất để giải quyết các rủi ro sản xuất.
  • Cung cấp các sản phẩm và quy trình được chuẩn hóa trong toàn ngành.
  • Một số tiêu chuẩn chứng nhận bao gồm các chỉ số công bằng xã hội như thực hành lao động công bằng và bao gồm các nhóm yếu thế; do đó góp phần cải thiện xã hội và điều kiện lao động trong toàn ngành.
  • Cung cấp phương án để ngư dân, nông dân đạt được hoặc duy trì giấy phép xã hội trong cộng đồng (đánh bắt cá).
  • Quá trình chứng nhận có thể đem đến những cải thiện trong giao tiếp giữa các bên liên quan. Ví dụ, quá trình chứng nhận đã cải thiện sự hợp tác giữa các bên liên quan trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong nghề cá.
  • Giảm tác động môi trường của việc đánh bắt và nuôi trồng.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần lưu ý chi phí liên quan đến chứng nhận và cũng có một số “vấn đề” trong quá trình chứng nhận:

  • Chi phí chứng nhận có thể cao.
  • Có nhiều tiêu chuẩn chứng nhận khác nhau và có sự nhầm lẫn về sự khác biệt giữa các tiêu chuẩn.
  • Nhiều nhà sản xuất, đặc biệt là nghề cá quy mô nhỏ, phải vật lộn để tuân thủ các tiêu chuẩn chứng nhận do gánh nặng về tài chính, tổ chức và hành chính. Do đó, họ không thể đạt được chứng nhận và bị loại.
  • Một số tiêu chuẩn không phù hợp với bối cảnh địa phương, khiến những nhà sản xuất ở một số vùng khó tuân thủ hơn.
  • Rất khó để thực thi các tiêu chuẩn chứng nhận và các quy trình đánh giá cũng đã bị đặt câu hỏi về tính hợp pháp, trách nhiệm giải trình và tính độc lập.
  • Các tiêu chuẩn chứng nhận còn hạn chế trong việc giải quyết các rủi ro sản xuất như dịch bệnh hoặc rủi ro môi trường tích lũy.

Các tiêu chuẩn chứng nhận đang nỗ lực giải quyết các vấn đề này. Ví dụ, các tiêu chuẩn chứng nhận cố gắng đảm bảo tính hợp pháp, trách nhiệm giải trình và tính độc lập trong quy trình của họ bằng cách đảm bảo rằng các tổ chức đánh giá hoạt động độc lập và minh bạch về cả quy trình hoạt động và kết quả của các đánh giá.

Một trong những vấn đề chính đối với các tiêu chuẩn chứng nhận đó là những người nông dân sản xuất quy mô nhỏ không thể tiếp cận chúng. Để giải quyết vấn đề này, các tiêu chuẩn chứng nhận đã phát triển các lựa chọn cho chứng nhận nhóm. Các chương trình chứng nhận nhóm và cụm được thiết lập bởi ASC, BAP và GLOBALG.A.P, giúp tăng khả năng tiếp cận, sự tuân thủ và tác động của các tiêu chuẩn chứng nhận.

Chứng nhận nhóm cho phép các nhà sản xuất quy mô nhỏ cùng thực hiện các yêu cầu của tiêu chuẩn. Điều này cho phép doanh nghiệp chia sẻ chi phí và nguồn lực liên quan đến việc đáp ứng và đánh giá các tiêu chuẩn.

Để giải quyết các rủi ro về vấn đề môi trường tích lũy, BAP đã phát triển Tiêu chuẩn Quản lý Khu vực An toàn Sinh học. Đây là những hướng dẫn áp dụng cho các nhóm trang trại hợp tác, nhằm giảm thiểu rủi ro an toàn sinh học đối với một khu vực nuôi trồng thủy sản xác định.

Các dự án cải thiện là một nguồn thay thế cho thủy sản bền vững

Khi nói về chứng nhận, chúng ta thường thấy các thuật ngữ Dự án Cải thiện Nghề cá (FIP) và Dự án Cải thiện Nuôi trồng Thủy sản (AIP) được sử dụng. Đây là những sáng kiến có sự tham gia của nhiều bên, nhằm giúp các trang trại đánh bắt và nuôi trồng thủy sản hoạt động hướng đến bền vững. Ở những nơi nghề cá và trang trại chưa được chứng nhận, họ có thể cải thiện để đạt được chứng nhận. Với tư cách là nhà sản xuất, tham gia vào FIP hoặc AIP có thể giúp doanh nghiệp được chứng nhận hoạt động của mình.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu rõ yêu cầu của người mua đối với thủy sản bền vững, tìm hiểu xem liệu họ yêu cầu thủy sản được chứng nhận hay cả từ FIP và AIP. Các doanh nghiệp cần phải hiểu FIP và AIP là gì. Khi các nhà bán lẻ đưa ra cam kết chỉ tìm nguồn cung ứng thủy sản bền vững, đối với một số loài chưa có nghề cá hoặc trang trại được chứng nhận, các nhà bán lẻ cam kết chỉ mua hàng từ các FIP và AIP đáng tin cậy. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng có thể yêu cầu thủy sản phải được chứng nhận hoặc từ FIP và AIP đáng tin cậy.

Các tiêu chuẩn chứng nhận cũng thực hiện các dự án cải thiện để giúp ngư dân và nông dân hướng tới chứng nhận. Ví dụ, MSC hỗ trợ các FIP đáng tin cậy trong chương trình Chuyển tiếp sang MSC của họ. Chương trình này cung cấp cho các nghề cá xác minh tiến độ của họ, và hỗ trợ cải thiện nghề cá hướng tới chứng nhận MSC. ASC đã phát triển Chương trình Cải thiện ASC, giúp các tiêu chuẩn dễ tiếp cận hơn và đảm bảo rằng các tiêu chuẩn được nhà sản xuất nắm rõ hơn.

Các kênh giúp doanh nghiệp đưa thủy sản được chứng nhận vào thị trường Châu Âu

Phân khúc thị trường cuối cùng của Châu Âu đối với thủy sản được chứng nhận bền vững là kênh bán lẻ. Ngành dịch vụ ăn uống dự kiến cũng sẽ trở thành một thị trường cuối cùng phù hợp trong những năm tới. Giống như các sản phẩm thông thường, doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường thông qua quan hệ đối tác với các nhà bán lẻ, các nhà nhập khẩu hoặc thông qua đại lý.

Các thị trường cuối cùng

Thị trường lớn nhất ở Châu Âu đối với mặt hàng thủy sản bền vững là thị trường bán lẻ. Thủy sản được chứng nhận bền vững được bán trong các siêu thị chính thống, các nhà bán lẻ 'thân thiện với môi trường' như Marqt hoặc các nhà bán lẻ hữu cơ như Ekoplaza, và thậm chí còn có mặt tại một số siêu thị giảm giá ở Tây Bắc Châu Âu.

Khi ngày càng nhiều nhà bán lẻ yêu cầu các sản phẩm thủy sản được chứng nhận, các ngành công nghiệp chế biến cho các siêu thị cũng buộc phải tìm nguồn thủy sản được chứng nhận. Do đó, ngày càng nhiều nhà máy chế biến yêu cầu thủy sản được chứng nhận để phục vụ cho tiêu thụ bán lẻ.

Đồng thời, việc tăng cường bán buôn trên phạm vi rộng cũng đang cung cấp thủy sản bền vững. Năm 2018, Sligro - một trong những nhà bán buôn lớn nhất của Hà Lan, đã yêu cầu nhà cung cấp tôm của họ chỉ cung cấp tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương được chứng nhận ASC. Điều này có thể được giải thích bởi giá cá và thủy sản được chứng nhận bền vững đã giảm xuống mức tương đương với các đối thủ cạnh tranh thông thường. Vì vậy, nhu cầu đối với các sản phẩm được chứng nhận cũng đang tăng lên giữa các nhà bán buôn như Ecoseafood và Jan van As ở Hà Lan.

Cuối cùng, các doanh nghiệp cần lưu ý rằng ngày càng có nhiều cửa hàng bán cá ở châu Âu được cấp chứng chỉ bền vững. Hội đồng Quản lý Biển đã và đang làm việc để cải thiện mối quan hệ hợp tác của họ với các cửa hàng bán cá.

Ở châu Âu, các loại thị trường cuối cùng cho thủy sản được chứng nhận bền vững đang mở rộng. Điều này tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển cung cấp các sản phẩm được chứng nhận cho các thị trường cuối cùng khác nhau, từ đó mở rộng phạm vi thị trường. Do vậy, kết nối và giao dịch với một nhà nhập khẩu Châu Âu có mối liên hệ với nhiều phân khúc thị trường cuối cùng có thể giúp các doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận thị trường.

Cửa hàng đặc sản cá Koning ở Amstelveen là cửa hàng bán cá thứ 24 được chứng nhận ASC và MSC ở Hà Lan

Kênh phân phối

Nhìn chung, các kênh thị trường phân phối thủy sản bền vững cũng tương tự như các sản phẩm thông thường.

Tuy nhiên, khi kinh doanh thủy sản bền vững, các doanh nghiệp cần lưu ý các quy tắc mà các tiêu chuẩn khác nhau xác định về việc cung cấp sự đảm bảo theo chuỗi giá trị. Hầu hết các tiêu chuẩn yêu cầu mọi thành viên trong chuỗi cung ứng chế biến thủy sản phải có chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm. Ngoài ra, BAP có các tiêu chuẩn riêng cho từng bộ phận của chuỗi cung ứng. Nếu muốn kinh doanh thủy sản được chứng nhận, các nhà cung cấp của doanh nghiệp phải được chứng nhận. Các doanh nghiệp chế biến hải sản cũng thường phải xin chứng nhận.

Các nhà nhập khẩu có thể tìm nguồn cung cấp các sản phẩm được chứng nhận và không được chứng nhận từ cùng một nhà cung cấp, nếu nhà cung cấp đó sản xuất cả sản phẩm được chứng nhận và không được chứng nhận. Tuy nhiên, thường thì các nhà nhập khẩu có các nhà cung cấp khác nhau, ở các quốc gia khác nhau, cho các sản phẩm được chứng nhận và không được chứng nhận. Ví dụ, Việt Nam đang cung cấp rất nhiều tôm được chứng nhận cho thị trường châu Âu.

5. Giá thủy sản bền vững có chứng nhận tại thị trường Châu Âu

Nhìn chung, giá của thủy sản được chứng nhận cao hơn đáng kể so với giá của các sản phẩm thông thường tương đương. Đây cơ bản là kết quả của việc chi phí sản xuất thủy sản bền vững (ban đầu) cao hơn; chi phí bán hàng và phân phối cao hơn, vì khối lượng thủy sản được chứng nhận tương đối thấp so với thủy sản thông thường. Giá tiêu dùng của cá ngừ đóng hộp được chứng nhận và không được chứng nhận được biểu thị dưới đây để minh họa sự khác biệt về mức giá giữa thủy sản được chứng nhận và không được chứng nhận. Có thể thấy, có sự khác biệt giữa cá ngừ đóng hộp được chứng nhận và cá ngừ đóng hộp thông thường. Khoảng cách này thậm chí còn lớn hơn giữa cá ngừ thông thường và cá ngừ đánh bắt bằng câu vàng.

Bảng 2: Giá tiêu dùng của cá ngừ cóchứng nhận và không có chứng nhận của nhà bán lẻ Hà Lan, Albert Heijn

Sản phẩm

Giá (EUR/kg)

Chứng nhận

Cá ngừ ngâm dầu đóng hộp John West được chứng nhận MSC, 145 g

26,37

Cá ngừ ngâm dầu đóng hộp John West, 145g

25,00

Không

Cá ngừ ngâm dầu đóng hộp Princes được chứng nhận MSC, 145g

14,41

Cá ngừ ngâm dầu Statesman, 160g

9,94

Không

Cá ngừ vằn ngâm dầu đóng hộp Fish Tales được chứng nhận MSC, 142g

30,20

Bảng 3 dưới đây là giá tiêu dùng của các sản phẩm thủy sản đông lạnh có chứng nhận bền vững tại một số cửa hàng bán lẻ trực tuyến ở Châu Âu.

Bảng 3: Giá tiêu dùng thủy sản bền vững tại các nhà bán lẻ Châu Âu

Quốc gia

Bán lẻ trực tuyến

Sản phẩm

Giá (EUR/kg)

Hà Lan

Albert Heijn

Tôm bóc vỏ đông lạnh có chứng nhận ASC, 100g đựng trong hộp nhựa

26,90

Albert Heijn

Philê cá tra rã đông có chứng nhận ASC, 175g đựng trong hộp nhựa

14,29

Thụy Sĩ

Coop

Tôm nấu chín được chứng nhận ASC, 800g trong túi nhựa

30,60

Coop

Philê cá tra đông lạnh có chứng nhận ASC, 900g trong túi nhựa

11,10

Đức

Billa

Tôm đông lạnh có chứng nhận ASC, 600g trong túi nhựa

16,65

Billa

Philê cá tra đông lạnh có chứng nhận ASC, 900g trong túi nhựa

6,66

Anh

Waitrose & Partners

Tôm gân tươi sống bóc vỏ có chứng nhận ASC, 180g đựng trong hộp nhựa         

28,50

Waitrose & Partners

Cá ngừ vây vàng rã đông cắt khúc có chứng nhận MSC, 240g đựng trong hộp nhựa

34,18

Tây Ban Nha

Dia

Tôm nấu chín bóc vỏ đông lạnh có chứng nhận MSC, 200g trong túi nhựa

21,45

Carrefour

Philê cá tuyết cod có chứng nhận MSC, 400g đựng trong túi nhựa

11,47

Ý tưởng của chứng nhận đó là khuyến khích các nhà cung cấp nâng cấp, tăng lợi nhuận khi các tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm được đáp ứng. Trong đó, khả năng tiếp cận thị trường là một động lực kinh tế phổ biến để các nhà sản xuất tìm kiếm chứng nhận.

Là một nhà sản xuất, các doanh nghiệp không nên xem việc bán thủy sản bền vững là một cách để nhận được giá ưu đãi cho sản phẩm của họ, vì không có gì đảm bảo rằng người nông dân sẽ nhận được một mức giá cao cho các sản phẩm được chứng nhận. Thay vào đó, hãy xem nó như một cách để tiếp cận các thị trường mới và sinh lợi.

Phương Linh

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục