Mỹ chấm dứt thương mại với Nga, nhưng lệnh cấm thuỷ sản "không thể thực thi"

(vasep.com.vn) Ngày 7/4/2022, Thượng viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu nhất trí chấm dứt thương mại bình thường với Nga. Đồng thời cũng diễn ra phiên điều trần của Tiểu ban Tài nguyên Thiên nhiên Hạ viện Hoa Kỳ về Nước, Đại dương và Động vật hoang dã nhằm giải quyết lệnh cấm "không thể thực thi" đối với nhập khẩu thủy sản Nga.
Mỹ chấm dứt thương mại với Nga nhưng lệnh cấm thuỷ sản không thể thực thi
Mỹ chấm dứt thương mại với Nga, nhưng lệnh cấm thuỷ sản "không thể thực thi"

Cuộc bỏ phiếu của Thượng viện, nhằm phản đối xung đột Nga và Ukraine, khiến thương mại với Nga bị thắt chặt theo quy chế thương mại tương tự với các quốc gia bị bài xích như Triều Tiên và sẽ cho phép Mỹ tăng thuế quan lên 25% đối với thuỷ sản của Nga nếu lệnh cấm hải sản ban hành trước đó được dỡ bỏ . Quyết định của Thượng viện có thể sẽ được Hạ viện ủng hộ và được Tổng thống Biden ký, đồng thời tác động đến Belarus và chấm dứt cơ chế thương mại “tối huệ quốc” giữa Mỹ và Nga.

Quyết định này có thể sẽ có tác động trái chiều đến thương mại thủy sản song phương. Vào ngày 11/3, Biden đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu thủy sản của Nga thông qua sắc lệnh hành pháp. Chính quyền sau đó đã ban hành ngày thực thi lệnh cấm là 25/3, song Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đẩy lùi ngày thực thi lệnh tới 23/6/2022.

Tuy nhiên, trong cuộc họp của Tiểu ban Tài nguyên Thiên nhiên Hạ viện về Nước, Đại dương và Động vật hoang dã ngay sau cuộc bỏ phiếu của Thượng viện, Chủ tịch Tiểu ban Jared Huffman tuyên bố rằng lệnh cấm sẽ không có hiệu lực đối với việc ngăn chặn nhập khẩu từ Nga.

Huffman cho rằng, lệnh cấm này sẽ không được thực thi, không tuân theo luật và chính sách hiện hành và không nằm dưới sự giám sát của NOAA.

Vấn đề nằm ở chỗ, nhiều loài hiện được nhập khẩu từ Nga không nằm trong Chương trình Giám sát Nhập khẩu Thủy sản (SIMP). Huffman từ lâu đã là người đề xuất mở rộng SIMP và đã đệ trình luật vào năm 2021 để mở rộng SIMP cho tất cả các loài thuỷ sản .

Trong số hơn 1,2 tỷ USD (1,1 tỷ EUR) thủy sản nhập khẩu  từ Nga, một số loài chủ chốt - chẳng hạn như cá minh thái - không nằm trong danh sách SIMP, là nguyên nhân mà Huffman cho rằng đã ngăn lệnh cấm có hiệu lực.

“Trong khi sắc lệnh hành pháp trên lý thuyết được cho là ngăn chặn thuỷ sản nhập khẩu trực tiếp từ Nga, nguồn gốc của các loài thuỷ sản ở Nga là không thể truy xuất được trừ khi chúng nằm trong 13 danh sách 13 loài được bảo vệ của SIMP, khiến lệnh cấm là không thể thực thi.”

Trong buổi điều trần, thành viên cấp cao của Trung tâm Stimson và Giám đốc Chương trình An ninh Môi trường Sally Yozell cũng cho biết rằng, những lỗ hổng hiện tại trong chuỗi cung ứng sẽ khiến lệnh cấm thủy sản mất tác dụng.

Vấn đề là một phần lớn thủy sản của Nga được chế biến ở Trung Quốc, sau đó được gửi đến Mỹ dưới dạng sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc.

Yozell nói: “Thủy sản của Nga được chế biến tại Trung Quốc và gửi đến Mỹ được dán nhãn là sản phẩm của Trung Quốc, không phải của Nga. Sản phẩm đánh bắt của Nga được chế biến cùng với cá của Mỹ, nơi chúng đang tập trung lại với nhau. Theo ITC, 1/3 lượng cá đánh bắt tự nhiên đã qua chế biến nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2019 có nguồn gốc từ các tàu cá của Nga ”.

Yozell, cựu đồng Chủ tịch của lực lượng đặc nhiệm ban đầu kiểm tra việc xây dựng SIMP, cho rằng, mục đích của chương trình là "luôn luôn" mở rộng để bao phủ tất cả các loài. Bên cạnh đó, SIMP sẽ cung cấp các công cụ để xác định và theo dõi nguồn gốc nhập khẩu thủy sản.

Bất kể việc mở rộng SIMP có câu trả lời hay không, một phân tích của Oceana đã xác định rằng sẽ có rất nhiều thủy sản của Nga có thể nhập khẩu vào Mỹ nhờ các quy tắc ghi nhãn xuất xứ hiện hành.

Phân tích cho thấy rằng các tàu cá của Nga có quyền tiếp cận các cảng ở các quốc gia khác và được phép đánh bắt trong vùng biển của các quốc gia khác trên thế giới. Thêm vào đó, hoạt động trung chuyển thuỷ sản trên biển đôi khi có thể trộn lẫn thuỷ sản do tàu Nga đánh bắt với thuỷ sản từ các nước khác.

Do đó, tổ chức phi chính phủ về môi trường Oceana đang kêu gọi rút quyền cập cảng đối với các tàu Nga.

“Các quốc gia được đề cập trong phân tích của Oceana, đặc biệt là những quốc gia có tàu Nga thường xuyên lui tới nhất, nên quyết định xem hành động của Nga ở Ukraine có đảm bảo tiếp tục có đặc quyền tiếp cận cảng hoặc đánh bắt trong vùng biển của họ hay không”, Giám đốc Chiến dịch Minh bạch và Đánh bắt Bất hợp pháp của Oceana, Marla Valentine cho biết. “Để bất kỳ lệnh cấm nào đối với hải sản của Nga có hiệu lực, phải có khả năng truy xuất nguồn gốc đối với tất cả các loại hải sản”.

Michael Lahar, phát biểu đại diện cho Hiệp hội Môi giới và Giao nhận Hải quan Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết, việc sử dụng các lệnh trừng phạt đối với Nga để thúc đẩy mở rộng SIMP là một động thái sai lầm, vì những vấn đề mà chương trình đã gây ra cho các nhà nhập khẩu.

Theo Lahar, việc thực hiện chương trình SIMP sẽ mất nhiều năm và chương trình này đã đặt ra gánh nặng cho các nhà nhập khẩu. Ông cho biết một lô hàng thủy sản đóng hộp đơn lẻ có thể bao gồm cá được đánh bắt bởi nhiều tàu ở hàng trăm địa điểm trên khắp thế giới, và kết quả là 15 điểm dữ liệu mà SIMP yêu cầu có thể hàng nghìn điểm dữ liệu rời rạc khác nhau.

Ngoài ra, hệ thống nhập liệu hiện tại đã lỗi thời và thường xuyên gây ra sự cố, hệ thống máy tính đôi khi bị quá tải bởi lượng dữ liệu cần thiết.

Giám đốc Truyền thông Viện Thủy sản Quốc gia Melaina Lewis khẳng định quan điểm cho rằng việc mở rộng SIMP là cách duy nhất để cấm hải sản của Nga là “không chính xác và không cần thiết”.

“Trên thực tế, việc mở rộng chương trình chỉ cho mục đích này là không cần thiết. Nguồn lực của cơ quan sẽ bị chuyển sang thực hiện một công việc hoàn toàn xa lạ và trong quá trình này, SIMP sẽ làm giảm hiệu quả vốn đã ít ỏi của nó trong việc ngăn chặn các sản phẩm IUU thực tế vào Mỹ. Trong khi đó, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Kho bạc có thể ngay lập tức mở rộng các biện pháp trừng phạt nhắm vào các công ty thủy sản của Nga và chủ sở hữu của họ”.

Bà cho biết, một báo cáo của NOAA vào tháng 5 năm 2021 cho thấy SIMP thậm chí không ngăn chặn được thuỷ sản bất hợp pháp vào Hoa Kỳ, do đó khó có thể ngăn thuỷ sản Nga vào Hoa Kỳ.

Xin mời đăng ký Báo cáo chuyên đề: "Xung đột Nga - Ukraine: Đánh giá tác động đối với thương mại thuỷ sản Việt Nam" để biết thêm chi tiết về thương mại thuỷ sản Việt Nam với 2 thị trường và ảnh hưởng của chiến sự Nga - Ukraine đối với XK thuỷ sản của Việt Nam.

Khánh Linh

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục