Giá cước vận tải sẽ giảm khi tắc nghẽn cảng được giải quyết, Trung Quốc mở cửa trở lại

SSI cho rằng giá cước vận tải trên thị trường quốc tế sẽ hạ nhiệt vào năm 2023, khi tắc nghẽn cảng được giải quyết, Trung Quốc mở cửa trở lại. Đồng thời, nguồn cung tàu container đóng mới tăng mạnh cũng góp phần điều chỉnh giá cước.

Trong báo cáo ngành cảng biển và vận chuyển, CTCK SSI cho biết tình trạng tắc nghẽn tại Bờ Tây Mỹ đã cải thiện đáng kể, nhưng điểm nóng đã chuyển sang Bờ Đông Mỹ. Còn tắc nghẽn cảng tại Châu Âu và Địa Trung Hải càng nghiêm trọng hơn bởi những cuộc đình công xảy ra tại nhiều cảng trên thế giới.

SSI cho rằng gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn tiếp diễn trong 2022. Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng Mỹ và Châu Âu chưa thể khắc phục trước năm 2023 do tắc nghẽn vẫn diễn ra trong nhiều khâu của chuỗi cung ứng, bao gồm thiếu cầu cảng, thiếu xe tải, nhà kho và cả nhân công.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cảng cần thời gian để thích ứng với các tàu mới đóng có kích thước lớn hơn trước khi tình trạng tắc nghẽn được giải quyết. Mặt khác, việc luân chuyển hàng hóa toàn cầu phụ thuộc lớn vào Trung Quốc và chiến lược Zero COVID của nước này.

Chú thích ảnh

Tình trạng tắc nghẽn tại Trung Quốc được dự đoán sẽ được cải thiện vào cuối năm 2023

SSI cho rằng tình trạng tắc nghẽn sẽ dần cải thiện vào nửa cuối năm 2023, khi các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 được gỡ bỏ tại hầu hết các thị trường, bao gồm Trung Quốc. Giá cước vận tải trên thị trường quốc tế sẽ dần bình thường trở lại. Mặt bằng giá cước cao hiện tại sẽ dần điều chỉnh do nhu cầu giảm và nguồn cung tăng.

Theo đó, nguồn cung tàu container đóng mới sẽ tăng mạnh và gia nhập thị trường (2023: 9,9%; 2024: 11,1% so với trọng tải cuối năm 2021). Điều này sẽ gây áp lực lên giá cước. Tuy nhiên, yếu tố chính quyết định việc điều chỉnh giá cước vẫn là vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Hiện tại, tình trạng tắc nghẽn cảng chưa được cải thiện.

Do vậy, SSI cho rằng giá cước sẽ cần một thời gian dài để điều chỉnh từ mức đỉnh, giá cước giảm dần nhưng vẫn ở mức cao trong nửa cuối 2022. Mặc dù vậy, giá cước có thể giảm mạnh vào năm 2023 nếu tình trạng tắc nghẽn được giải quyết và Trung Quốc mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, mặt bằng giá sẽ cao hơn mức trước dịch COVID do các hãng vận chuyển phải chịu chi phí đầu tư và chi phí vận hành cao hơn nhiều so với trước đây. Giá cước vận tải trong nước duy trì ở mức đỉnh trong 2023 do thị trường vẫn thiếu cung với phần lớn đội tàu Việt Nam được cho thuê tại thị trường nước ngoài với hợp đồng dài hạn.

Phụ phí nhiên liệu cũng được thêm vào giá cước để phản ánh giá nhiên liệu tăng, hỗ trợ các hãng vận chuyển trước biến động giá dầu.Nhu cầu trên thị trường Nội Á vẫn mạnh do khu vực này hưởng lợi từ chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận, điều này giúp hỗ trợ phân khúc tàu feeder.

Giá thuê tàu có thể duy trì ở quanh mức đỉnh trong nửa cuối 2022, sau đó giảm dần trong 2023 khi cung tàu đóng mới gia nhập thị trường. Tuy nhiên, kỳ hạn hợp đồng có thể rút ngắn lại do rủi ro giảm giá trên thị trường.

Thùy Linh (Theo Vietnambiz

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục