FAO: Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản toàn cầu đạt kỷ lục mới

(vasep.com.vn) Trong báo cáo công bố mới đây, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản trên toàn cầu đã tăng kỷ lục và lần đầu tiên sản lượng nuôi vượt sản lượng đánh bắt.

Chú thích ảnh

Báo cáo năm 2024 về Thực trạng Khai thác và Nuôi trồng Thủy sản Thế giới (SOFIA) cho thấy sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản trên toàn cầu trong năm 2022 đạt 223,2 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2020. Theo đó, lần đầu tiên, sản lượng nuôi trồng thủy sản đã vượt sản lượng đánh bắt, trở thành nguồn sản phẩm động vật thủy sản chính vào năm 2022.

Giám đốc Cơ quan Nông nghiệp và Ngư nghiệp thuộc FAO, ông Manuel Barange, nhận định đây là một “kết quả tích cực” khi sản lượng thủy sản tiếp tục gia tăng mà không gây ảnh hưởng đến môi trường biển.

Ông giải thích rằng điều này là do sản lượng thủy hải sản trên biển hiện chiếm chưa đầy 40% tổng sản lượng khai thác thủy hải sản nói chung.

Theo FAO, 10 quốc gia gồm Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh, Philippines, Hàn Quốc, Na Uy, Ai Cập và Chile - chiếm hơn 89,8% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản.

Mức tiêu thụ thực phẩm thủy sản toàn cầu đạt 162,5 triệu tấn vào năm 2021, trong khi mức tiêu thụ bình quân đầu người hằng năm trên toàn cầu đã tăng từ 9,1kg vào năm 1961 lên 20,7kg vào năm 2022. Với nguồn protein chất lượng cao, thực phẩm thủy sản đã cung cấp ít nhất 20% protein động vật cho 3,2 tỷ người vào năm 2021.

Ông Barange khẳng định do vậy, nuôi trồng thủy sản trở thành một “công cụ hiệu quả” để chống đói nghèo, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững. Tuy nhiên, dù sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng vọt, sản lượng đánh bắt vẫn là nguồn sản xuất động vật thủy sản thiết yếu.

Theo FAO, sản lượng động vật thủy sản dự kiến sẽ tăng 10% đến năm 2032, đạt 205 triệu tấn, nhờ mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản và sự phục hồi nghề đánh bắt. Tiêu thụ tăng 12% lên trung bình 21,3 kg/đầu người năm 2032.

Nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản là nguồn sinh kế quan trọng. Theo dữ liệu mới nhất, ước tính có khoảng 61,8 triệu người làm việc trong lĩnh vực đánh bắt và nuôi trồng thủy sản vào năm 2022, giảm so với mức 62,8 triệu vào năm 2020.

Ở châu Á, ước tính có khoảng 52,7 triệu người làm việc trong lĩnh vực đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, chiếm 85% tổng số lao động trên thế giới.

SOFIA là báo cáo hàng đầu của FAO nhằm phân tích tình trạng và sức khỏe nguồn lợi thủy sản toàn cầu cũng như các xu hướng trong nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản ở cấp độ toàn cầu và khu vực. Ấn bản 2024 nêu bật những tiến bộ cụ thể của Chuyển đổi xanh trong thực tế, thể hiện vai trò của FAO, phối hợp với các Thành viên và đối tác, trong việc thúc đẩy sự thay đổi theo hướng mở rộng và thâm canh nuôi trồng thủy sản bền vững, quản lý nghề cá hiệu quả và chuỗi giá trị ưu tiên hiệu quả, an toàn và công bằng.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục