Việt Nam là nhà xuất khẩu thuỷ sản lớn thứ 3 thế giới với kim ngạch năm 2022 đạt hơn 11 tỷ USD, chính vì thế các tập đoàn, công ty lớn trong mảng thức ăn chăn nuôi toàn cầu đã coi Việt Nam là thị trường tiềm năng, rót hàng triệu đô vào khai thác "mỏ vàng" từ thức ăn thuỷ sản.
Thị trường thức ăn thuỷ sản sôi động
Đầu năm 2023, Công ty TNHH Sunjin Vina đã được Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản Sunjin. Dự án đặt tại Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, diện tích 2,6 ha; tổng vốn đầu tư 23,6 triệu USD (tương đương hơn 553 tỷ đồng).
Đây là dự án sản xuất sản phẩm thức ăn thủy sản (cá, tôm), sử dụng công nghệ tiên tiến, quy trình sản xuất khép kín, công suất 126.000 tấn/năm. Dự kiến khi đi vào hoạt động, doanh thu mỗi năm của Dự án đạt 161,4 triệu USD, giá trị xuất khẩu đạt 40 triệu USD.
Năm 2022, thị trường thức ăn thuỷ sản ghi nhận sự tham gia của Tập đoàn Thăng Long (Đài Loan) với việc khánh thành Nhà máy thức ăn thuỷ sản tại KCN Hoà Phú (tỉnh Vĩnh Long). Với việc đưa nhà máy này vào hoạt động, Thăng Long hiện đang sở hữu 15 dây chuyền sản xuất thức ăn cho tôm, 7 máy ép đùn sản xuất thức ăn cho cá, với tổng công suất khoảng 650.000 tấn/năm. Được biết, tập đoàn này đang tiếp tục triển khai 1 dự án thức ăn cho cá tại tỉnh Hải Dương, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2023.
Trong khi đó, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) là doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi duy nhất tại Việt Nam có Trung tâm Nghiên cứu và phát triển thực nghiệm thuỷ sản (R&D) đặt tại tỉnh Vĩnh Long. Cùng với đó, doanh nghiệp này cũng đang sở hữu 3 nhà máy thức ăn thuỷ sản chuyên biệt tại Vĩnh Long và Bạc Liêu, với các loại thức ăn dành riêng cho cá da trơn, cá rô phi, cá điêu hồng, cá lóc...; thức ăn cho ếch, tôm và thức ăn cho cá biển.
Với tầm nhìn xa về một thị trường thức ăn thuỷ sản rộng mở, ngay từ năm 2017 De Heus đã xây dựng và đưa vào hoạt động trung tâm này. Theo đó, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển thực nghiệm thuỷ sản có diện tích 6ha, gồm 111 bể thử nghiệm trong nhà, 25 khu ao thử nghiệm ngoài trời, 2 hồ xử lý nước thải, bộc lọc sinh học, hệ thống bơm tự động, văn phòng và kho chứa đầy đủ tiện nghi.
Ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc châu Á Tập đoàn De Heus từng phát biểu: Do sự gia tăng dân số thế giới kèm theo sự gia tăng về nhu cầu lương thực thực phẩm, chúng tôi dự đoán nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản cũng sẽ tăng trưởng cao trong tương lai. Trung tâm R&D độc đáo này cho phép ngành nuôi trồng thủy sản phát triển các giải pháp bền vững và hiệu quả hơn cho sản xuất nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là cá.
Tại Trung tâm này, các chuyên gia của De Heus đã thực hiện nhiều thí nghiệm chuyên sâu trên các chủng loại cá khác nhau, như: cá tra, điêu hồng, cá lóc, cá rô phi, cá rô đồng, cá trê, cá chim trắng, cá chép, ếch, tôm thẻ chân trắng, tôm sú...
Qua những thí nghiệm thực tế đó, De Heus tìm ra những giải pháp dinh dưỡng tối ưu, giúp cho ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững và hiệu quả hơn, đặc biệt là cá. Trung tâm còn là nơi huấn luyện kiến thức, kỹ thuật mới cho người nuôi cá, cơ sở chế biến cá, các nhà sản xuất và phân phối thức ăn cho cá.
Nhờ có trung tâm nghiên cứu hiện đại mà De Heus tự tin có những sản phẩm thức ăn được tối ưu hóa về dinh dưỡng, giúp tôm, cá chuyển hóa thức ăn tốt, phát triển nhanh, sạch bệnh.
Theo nhà phân tích Willem van der Pijl, Công ty TNHH De Heus hiện là nhà sản xuất thức ăn cho cá nước ngọt lớn nhất tại Việt Nam và có khả năng sản xuất 4 triệu tấn (MT) thức ăn chăn nuôi mỗi năm phục vụ tiêu dùng trong nước, bao gồm cả thức ăn cho tôm. Được biết, hơn 2 năm trước, De Heus cũng đã mua lại tài sản của Neovia tại Indonesia và đang đặt mục tiêu tăng thị phần thức ăn cho tôm ở Indonesia trong những năm tới.
Cũng theo nhà phân tích Willem van der Pijl, lĩnh vực thức ăn thuỷ sản ở Việt Nam ghi nhận một số doanh nghiệp FDI khác đang "thống trị" thị trường như CP (Thái Lan), Cargill (Mỹ), Tomboy (Pháp). Ngoài ra, còn có các công ty của Đài Loan như (Grobest, Uni President, Dinh dưỡng Á Châu…), của Trung Quốc như (Tongwei, Hoa Chen…), Hàn Quốc (CJ Master)...
Đặc biệt là từ khi Chiến lược phát triển thuỷ sản đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (năm 2021) với mục tiêu phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tốc độ tăng trưởng bình quân từ 3-4%/năm..., thì các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như được "chắp thêm cánh", tự tin rót tiền tỷ vào mảng thức ăn thuỷ sản.
Các công ty này đang mở rộng lợi thế của mình bằng cách tập trung vào đổi mới và công nghệ, vận hành các cơ sở nghiên cứu và phát triển, xây dựng trang trại kiểu mẫu của riêng mình, đồng thời phát triển phần mềm quản lý trang trại độc quyền và hệ thống cho ăn thông minh.
Trong đó, CP Foods có trụ sở tại Bangkok, Thái Lan được cho là nhà sản xuất thức ăn tôm lớn nhất thế giới xét về năng lực, mặc dù các hoạt động sản xuất của công ty chủ yếu nằm ở Nam và Đông Nam Á. CP Foods là nhà sản xuất thức ăn nuôi tôm hàng đầu tại Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Đối với thức ăn cho cá tra, các doanh nghiệp quy mô toàn cầu như Cargill (Mỹ), Green Feed, Proconco (đã được De Heus mua lại từ Masan), Anova… chiếm thị phần trên 60 – 70%.
Theo Dân Việt