Sản xuất giống cá tra cần chiến lược đầu tư và quy hoạch đất bài bản

(vasep.com.vn) Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam diễn ra ngày 13/4/2023, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn đã có bài phát biểu về những khó khăn trong hoạt động sản xuất giống cá tra và kiến nghị một số giải pháp.

Chú thích ảnh

Công ty Vĩnh Hoàn trong những năm qua đã liên tục đầu tư đội ngũ, kỹ thuật và công nghệ cho khâu nuôi cá đặc biệt là nuôi cá giống. Vĩnh Hoàn đã nỗ lực không ngừng hoàn thiện các quy trình ương nuôi với những đột phá trong áp dụng những kiến thức và kỹ thuật mới. Ngoài ra, Vĩnh Hoàn còn đang thực hiện chương trình chọn lọc gen với đối tác ở Scotland, chương trình tiêm vắc-xin cho cá. 

Hoạt động sản xuất giống cá tra nói riêng và giống thủy sản nói chung có những thách thức như sau:

- Vốn đầu tư lớn do cần diện tích đất rộng lớn, cơ sở vật chất và chi phí hoạt động có yêu cầu cao hơn khâu nuôi thịt;

- Rủi ro cao, mất nhiều thời gian, cần rất nhiều kiên nhẫn và niềm tin, ví dụ như chương trình chọn lọc gen sẽ mất ít nhất 10 năm

- Khó có lợi nhuận, thường những năm đầu lỗ nhiều

Do đó để có thể gọi là đầu tư bài bản, với tầm nhìn dài hạn vào khâu ương nuôi giống để hướng đến nguồn nguyên liệu cạnh tranh, hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững, có khả năng thích ứng cao thì cần có những doanh nghiệp có kinh nghiệm, đội ngũ dày dặn chuyên môn, năng lực tài chính đủ mạnh để có thể tạo động lực đột phá cho toàn ngành. Để ngày càng có nhiều doanh nghiệp như vậy sẵn sàng đầu tư cho khâu giống, không ngoại trừ cả khối FDI vốn có sẵn kinh nghiệm từ những loài thủy sản khác trên thế giới. Vĩnh Hoàn xin kiến nghị:

- Thứ nhất, cần có chiến lược và chủ trương của Chính phủ xuyên suốt đến các địa phương về việc thu hút đầu tư vào khâu nuôi giống cá tra nói riêng và thủy sản nói riêng. Hiện nay các quy định và chính sách về ưu đãi đầu tư cho ngành nghề nông nghiệp công nghệ cao và những vùng đặc biệt khó khăn đã có sẵn. Tuy nhiên nhận thấy các địa phương chưa mạnh dạn vận dụng và áp dụng tối đa cho ngành nuôi giống dẫn đến việc làm khâu giống đã nhiều rủi ro vất vả mà doanh nghiệp không cảm nhận được sự chào đón và tạo điều kiện hỗ trợ nhất. Có thể đã có sự lúng túng trong thực thi chính sách hoặc những áp lực khác về chỉ tiêu ngân sách, Vĩnh Hoàn mong có được sự thúc đẩy từ Chính phủ để các cơ quan quản lý NN địa phương cùng hiểu và thực hiện mạnh mẽ các chương trình giống mang tính chiến lược cho thủy sản và Nông nghiệp Việt Nam.

- Thứ hai, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các lãnh đạo Bộ ngành rà soát và thống nhất các quy hoạch đất cho khâu nuôi giống sao cho thông tin được truyền đạt nhất quán và dài hạn. Như đã trình bày ở trên, khâu giống thủy sản cần có tầm nhìn và sự kiên định lâu dài để có những thay đổi đột phá ở nguyên liệu và sản phẩm đầu ra, đột phá trong công nghệ, hướng đến các cam kết sản xuất xanh, không phải là việc có thể ra kết quả ngay lập tức. Khó khăn của các doanh nghiệp làm giống chính là vào những thời điểm nhất định gặp phải áp lực về quá trình đô thị hóa, áp lực cạnh tranh về nguồn lực ở những ngành nghề “hot” hơn ví dụ như bất động sản, du lịch, đôi khi dự án giống không có được cam kết lâu dài, không an tâm đầu tư, không thể mở rộng theo đúng kế hoạch.

Vĩnh Hoàn mong có sự thấu hiểu và tầm nhìn dài hạn của Chính phủ đối với một khâu quan trọng của thủy sản Việt Nam, là động lực cạnh tranh và cũng là con đường thích ứng với nông nghiệp tiên tiến theo kịp các cam kết với thị trường thế giới, từ đó có thể có niềm tin và giúp cho các doanh nghiệp muốn đầu tư mạnh mẽ vào khâu giống lúc nào cũng thấy được Nhà nước chào đón và tạo điều kiện để thành công.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM