(vasep.com.vn) Tại Hội nghị toàn thể Hội viên VASEP năm 2024 tổ chức ngày 10/6/2024, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã có bài phát biểu chào mừng, biểu dương các thành tích đã đạt được trong thời gian qua của Hiệp hội và toàn thể hội viên Hiệp hội. Thứ trưởng cũng nêu ra những thách thức của ngành và nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 của Hiệp hội. Dưới đây là nội dung bài phát biểu của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tại Hội nghị.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam được thành lập đến nay tròn 26 năm, đã vượt qua nhiều khó khăn và phát triển khá toàn diện, đã chủ động hợp tác tích cực với các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, tập hợp được cộng đồng doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu Thủy sản (với hơn 1/3 số hội viên là các doanh nghiệp lớn, đi đầu trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam), với vai trò quan trọng trong việc làm cầu nối giữa doanh nghiệp hội viên với các cơ quan quản lý Nhà nước. Xử lý kịp thời các kiến nghị của hội viên, phổ biến và hướng dẫn hội viên thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước, đồng thời Hiệp Hội đã thể hiện vai trò trong công tác phát triển và xây dựng mối quan hệ giữa các hội viên và Xây dựng mối liên kết với nông, ngư dân sản xuất nguyên liệu. Thứ trưởng đánh giá cao kết quả đạt được của Hiệp hội trong các hoạt động (i) Vận động chính sách; (ii) Vượt rào cản thương mại; (iii) Xúc tiến thương mại; (iv) Quan hệ quốc tế; (v) Thông tin và truyền thông (vi) Tổ chức đào tạo và đóng góp hơn 80% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong năm vừa qua, Hiệp Hội cũng còn một số hạn chế đã được nhìn nhận đánh giá trong báo cáo tổng kết của Hiệp hội. Thứ trưởng đề nghị Hiệp hội trong thời gian tới đặc biệt quan tâm và phát huy vai trò trong hội tụ, kết nối các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ động kết nối, chia sẻ thông tin trong Hiệp hội; Kết nối Doanh nghiệp với người nuôi và Chính phủ. Thứ trưởng mong rằng Hiệp hội luôn khẳng định vị thế của mình, cùng với các Hội, hiệp hội khác trong ngành tham gia thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thực hiện được các mục tiêu trong Chiến lược phát triển bền vững Thủy sản. Bộ Nông nghiệp và PTNT cam kết luôn đồng hành cùng Hiệp hội để Hiệp hội có thể thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ đề ra tại Hội nghị.
Trong bối cảnh khó khăn và thách thức, xuất khẩu thủy sản Việt Nam 5 tháng đầu năm 2024 đạt 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước... các mặt hàng và thị trường xuất khẩu đều tăng nhẹ cho thấy có sự phục hồi so với năm 2023. Dù chưa bằng cùng kỳ năm 2022, nhưng đây được đánh giá là kết quả đáng khích lệ trên đường phục hồi và phát triển của ngành. Dự báo quý II và thời gian còn lại của năm 2024, sự phục hồi của xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn do những rủi ro và yếu tố bất định trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.
Là động lực của nền kinh tế toàn cầu và cũng là thị trường có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất của thủy sản Việt Nam, nhưng Trung Quốc hiện đang đối mặt với một giai đoạn mới của tăng trưởng chậm và kéo dài. Các chỉ số kinh tế chính của Trung Quốc, như: Chỉ số niềm tin người tiêu dùng, FDI, Thị trường chứng khoán, Chỉ số nhà ở, đều cho thấy xu hướng suy giảm trong dài hạn. Những Doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu chính vào thị trường Trung Quốc có thể phải đối mặt với sự giảm sút nhu cầu. Trung Quốc có thể sẽ phải dựa vào xuất khẩu để kích thích tăng trưởng, và đây sẽ là nguyên nhân đặt ra những thách thức về giá cả và cạnh tranh cho các nhà sản xuất quốc tế.
Kinh tế thế giới suy thoái, nhu cầu hàng hoá và thực phẩm nói chung, thuỷ sản nói riêng sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng giảm về khối lượng và cả giá Nhập khẩu so với năm 2022; Lạm phát trong nước và các chi phí sản xuất làm tăng giá thành và giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm thuỷ sản; Doanh nghiệp thiếu vốn để quay vòng sản xuất, thu mua nguyên liệu cho bà con nông ngư dân....
Trước những thách thức đó, cộng đồng Doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đã nhận thức và có những giải pháp nhất định cho mình, Hiệp Hội VASEP đã tăng cường công tác xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các Doanh nghiệp kết nối lại với các thị trường truyền thống và tìm kiếm thêm các cơ hội từ thị trường tiềm năng. Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Nông nghiệp & PTNT luôn quan tâm, đồng hành và chỉ đạo sát sao các hoạt động của ngành thủy sản trong đó có Doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam, để có thêm dũng khí và điều kiện để vượt qua năm 2024 dự báo tiếp tục khó khăn, coi đây là năm chuẩn bị sẵn sàng đón bắt cơ hội phục hồi và phát triển, xác định những khó khăn thách thức và tìm kiếm các giải pháp phù hợp để xây dựng chiến lược xuất khẩu thủy sản Việt Nam hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD trong năm 2024.
Thứ trưởng mong muốn VASEP tiếp tục hoàn thành tốt vai trò cầu nối giữa Doanh nghiệp và chính phủ, giữa doanh nghiệp với cộng đồng ngư dân và các thị trường quốc tế, đóng góp vào sự phát triển ngày một lớn mạnh và bền vững của ngành.
Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn VASEP từ nay đến cuối năm 2024 tập trung: Thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp, kịp thời thông tin để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp, tăng cường hợp tác giữa các DN trong tiếp cận, mở rộng thị trường, tuân thủ quy định thị trường; Thông báo kịp thời tới Bộ, Ngành liên quan về các vướng mắc trong quá trình XK để xử lý kịp thời, chủ động đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện cho hoạt động XK; Tiếp tục vận động Hội viên áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất, đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng mô hình hiệu quả, phát triển thị trường, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật…
Thứ trưởng tin tưởng rằng XK thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục gặt hái được các thành công, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước nói chung và ngành thủy sản nói riêng.