Trong định hướng xây dựng nền kinh tế nông nghiệp bền vững, thích ứng trước mọi rủi ro, Cà Mau xác định đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Trong định hướng xây dựng nền kinh tế nông nghiệp bền vững, thích ứng trước mọi rủi ro, tỉnh Cà Mau xác định, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp then chốt; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.
*Đưa công nghệ vào sản xuất
Với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường… Do đó, thời gian qua, nhiều dự án, đề tài nghiên cứu được ứng dụng, chuyển giao vào sản xuất nông nghiệp được triển khai rộng khắp, đáp ứng ngày càng tốt hơn thực tiễn sản xuất. Cụ thể, theo thống kê của Phòng Quản lý cơ sở, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau thì, chỉ trong 5 năm gần đây, Sở đã triển khai 91 nhiệm vụ khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, 84 nhiệm vụ khoa học – công nghệ cấp tỉnh và 7 nhiệm vụ khoa học – công nghệ cấp Trung ương.
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cà Mau, nông dân địa phương đã mạnh dạn phát triển kinh tế thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nhất là khi triển khai thực hiện các mô hình như: Nuôi tôm thẻ chân trắng với quy trình Biofloc, Semi-Biofloc cho ao nuôi trải bạt; quy trình công nghệ nuôi tôm 2 giai đoạn, 3 giai đoạn; quy trình nuôi tôm tuần hoàn khép kín,…Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, năng suất tôm nuôi thâm canh bình quân đạt khoảng 5 tấn/ha/năm (tôm sú) và khoảng 8 tấn/ha/năm (tôm thẻ chân trắng); tôm nuôi siêu thâm canh đạt 40 – 50 tấn/ha/vụ.
Bên cạnh đó, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện Đề án "Nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030". Do đó, khi đề án được triển khai, ngành tôm của tỉnh được phát triển theo cơ chế phù hợp, nhất là đối với tôm sinh thái hữu cơ, nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Cà Mau trên thị trường.
Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có cùng diện tích nuôi trồng thủy sản lớn, trên 300.000 ha; trong đó, diện tích nuôi tôm chiếm trên 280.000ha, sản lượng đạt khoảng 210.000 tấn/năm, tỉnh Cà Mau cũng tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế xây dựng khu sản xuất áp dụng công nghệ cao; có chính sách thu hút đầu vào công nghệ phụ trợ, áp dụng công nghệ mới trong toàn chuỗi ngành tôm,… Đồng thời, giúp ngành tôm thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, từ đó góp phần đưa tỉnh Cà Mau trở thành trung tâm sản xuất tôm lớn nhất, không chỉ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà còn của cả nước.
Qua thực tiễn, những đóng góp của khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không chỉ tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản và cải thiện thu nhập cho người sản xuất mà hơn cả là đã tạo động lực mới cho nền kinh tế nông nghiệp trong tương lai. Điển hình như trên lĩnh vực trồng trọt. Sau thời gian ứng dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), một biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên các vùng trồng lúa đã được 80% nông dân trong tỉnh ứng dụng.
Nhờ đó, nông dân đã giảm hơn 54% lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm 14,2% lượng phân bón và giảm lượng lúa giống gieo sạ. Kết hợp nhiều biện pháp một cách hài hoà, hợp lý của IPM đã góp phần khống chế sự phát triển của sâu bệnh hại ở dưới mức có thể gây hại, bảo vệ được cây trồng mà ít gây tác hại môi trường, con người và động vật.
Theo tính toán thực tế, chỉ trong khoảng 3 năm (từ năm 2016-2019), nông dân đã tiết kiệm được khoảng 3,6 tỷ đồng khi sản xuất 2.400 ha diện tích lúa. Trong đó, tiết kiệm gần 126 tấn lúa giống, trên 50 tấn phân bón và 8,9 tấn thuốc bảo vệ thực vật, chi phí sản xuất giảm 1.436.800 đồng/ha và lợi nhuận cao hơn 2.882.300 đồng/ha so với các nông dân không ứng dụng IPM. Từ đó, thu nhập tăng thêm của nông dân khi ứng dụng mô hình IPM đạt trên 7,2 tỷ đồng.
Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phạm Trường Giang đánh giá, qua thời gian triển khai, các tiến bộ khoa học - kỹ thuật như: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, các biện pháp sinh học trong phòng trừ dịch hại, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón an toàn hiệu quả… đã được nông dân áp dụng ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, kết quả quan trọng nhất là đã tạo ra trên 13.400 tấn lúa hàng hoá an toàn và góp phần nâng cao trình độ về kỹ thuật canh tác lúa cho nông dân…
Phó trưởng phòng Quản lý cơ sở, Sở Khoa học và Công nghệ Mai Xuân Hương đánh giá, thời gian qua, nhiều ứng dụng khoa học – công nghệ được triển khai trong nông nghiệp đã mang lại nhiều hiệu quả thực tiễn. Thực hiện các giải pháp công nghệ không chỉ giúp phát triển nông nghiệp theo hướng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số... mà còn phù hợp với tiềm năng lợi thế của tỉnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
*Chủ động thích ứng trước rủi ro
Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã có nhiều chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hoá với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao, đóng góp mạnh cho xuất khẩu, bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân trong xã hội và là trụ đỡ của nền kinh tế trong nhiều thời điểm khó khăn. Trong đó, nhiều sản phẩm, ngành hàng nông nghiệp của tỉnh đã xuất khẩu vào thị trường chính, thị trường khó tính nhất trên thế giới đều tăng cao. Chỉ tính riêng năm 2022, xuất khẩu nông sản vào thị trường EU tăng 40,9%, Australia tăng 85,2%, Canada tăng 22,7%, Hàn Quốc tăng 14,1%, Nhật Bản tăng 13,6%... Ðiều này chứng tỏ nông sản địa phương đã cơ bản đáp ứng những điều kiện khắc khe của thị trường quốc tế, mở ra cơ hội cho chiến lược dài hơi về sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, như nhiều chuyên gia nhận định, nông nghiệp là ngành rất dễ bị "tổn thương" bởi nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan như: Thị trường, giá cả vật tư đầu vào, dịch bệnh, thiên tai, thời tiết… Riêng việc đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp, đặc biệt là việc đầu tư công nghệ cao theo phân khu, theo vùng sản xuất với hình thức tập trung trên địa bàn tỉnh còn nhiều rào cản. Bên cạnh đó, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi việc tổ chức sản xuất phải được thực hiện trên quy mô lớn và đầu tư tương xứng về mặt hạ tầng và công nghệ, trong khi vốn đầu tư từ nguồn ngân sách có hạn, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế, do việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, với một địa phương có đặc điểm khoảng cách địa lý tương đối xa, hạ tầng giao thông chưa phát triển đồng bộ để kết nối với các tỉnh, thành phố lớn khác như Cà Mau thì chi phí logistics cũng đang là một rào cản không nhỏ. Đó là chưa kể đến lực lượng lao động trong tỉnh đa phần là lao động phổ thông, khả năng tiếp nhận, ứng dụng khoa học - kỹ thuật còn hạn chế… Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau nhận định, hiện nay, nền nông nghiệp không chỉ của địa phương mà của cả nước ta luôn có nhiều biến động khó lường. Do đó, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp không chỉ là giải pháp, mà còn là hướng đi tất yếu.
Song song đó là công tác tổ chức lại sản xuất, làm sao phải bảo đảm lộ trình đầu tư, quy trình sản xuất và liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm an toàn, bền vững nhưng phải mang lại hiệu quả kinh tế cao... phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu ngày một gia tăng như hiện nay. "Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản. Đồng thời, ứng dụng công nghệ sinh học vào phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chứng nhận làm hạt nhân thúc đẩy phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá.
Cùng đó, gia tăng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ; đa dạng hoá sản phẩm chế biến, tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao; tăng chế biến từ các phụ phẩm của sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị gia tăng...", ông Nguyễn Văn Quân nêu giải pháp. Tỉnh Cà Mau cũng đang xây dựng một số cơ chế, chính sách về hỗ trợ vốn, tiếp cận tín dụng, công nghệ, thị trường nhằm khuyến khích doanh nghiệp, nông dân thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị; khuyến khích, hỗ trợ các đối tượng sản xuất trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; có hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân lực,…
Trong bối cảnh hiện nay, ngành nông nghiệp không chỉ chú trọng tăng năng suất, chất lượng cho các sản phẩm là đã có thể khẳng định được vị thế trên thị trường. Thị trường luôn đòi hỏi ngày càng cao, do đó, việc sản xuất, chế biến theo nhu cầu của thị trường phải là xu hướng tất yếu cần thực hiện. Chỉ có như vậy mới có thể chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp bền vững, thích ứng trước các rủi ro có thể xảy ra trong tương lai./.
Thu Hằng (theo Bnews)