(vasep.com.vn) Ngày 25/10/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Nghị quyết số 138/NQ-CP về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; giữ vững các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm.
Nghị quyết nêu rõ, tổ chức không gian phát triển theo 06 vùng: (1) Vùng trung du và miền núi phía Bắc: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản, kinh tế cửa khẩu. (2) Vùng đồng bằng sông Hồng: Tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại. (3) Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: Phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển. (4) Vùng Tây Nguyên: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, năng lượng tái tạo. (5) Vùng Đông Nam Bộ: Phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước. (6) Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động.
Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của cả nước, khu vực và thế giới.
Tập trung sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu sản phẩm chủ lực theo hướng giảm lúa gạo, tăng trái cây và thủy sản; sử dụng đất nông nghiệp linh hoạt hơn. Xây dựng trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia về nông nghiệp trên địa bàn vùng.
Phát triển công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ…
Phát triển đồng bằng sông Cửu Long trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch sinh thái (miệt vườn sông nước, đất ngập nước) và du lịch biển. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xây dựng các công trình phòng chống sạt lở, xâm nhập mặn, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Trên hành lang kinh tế Bắc - Nam tập trung phát triển đoạn Cần Thơ - Long An là hành lang kinh tế - đô thị - công nghiệp động lực của vùng. Hình thành, phát triển một số hành lang kinh tế Đông - Tây.
Tăng cường đầu tư hạ tầng kết nối vùng với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; đầu tư hệ thống đường ven biển qua các tỉnh; phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; nâng cấp các luồng chính, bao gồm luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn.