Ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc thủy sản

Truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác là một trong những yêu cầu bắt buộc để chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Để thuận tiện trong việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, Tổng cục Thủy sản đã xây dựng và triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc thủy sản. Khánh Hòa là một trong những địa phương được triển khai trong thời gian tới.

Yêu cầu bắt buộc

Theo ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Việt Nam đã triển khai việc truy xuất nguồn gốc thủy sản từ lâu. Luật Thủy sản năm 2003 đã yêu cầu bắt buộc ngư dân phải ghi chép sổ nhật ký khai thác để phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Luật Thủy sản năm 2017, việc truy xuất nguồn gốc thủy sản được triển khai quyết liệt, đồng bộ nhằm góp phần tháo gỡ thẻ vàng của EC về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu như EU, Mỹ… trong việc chống khai thác IUU. Hiện nay, người tiêu dùng trong nước cũng yêu cầu minh bạch hóa thông tin liên quan đến sản phẩm thủy sản khai thác, từ khâu sản xuất đến khâu chế biến, tiêu thụ. Do đó, việc thực hiện ghi chép nhật ký khai thác, các khâu trong truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác là yêu cầu bắt buộc đối với các tác nhân tham gia chuỗi khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản.

Sau một thời gian triển khai việc ghi chép nhật ký khai thác thủy sản, hầu hết ngư dân trong tỉnh khá thuần thục với quy trình này. Trong quá trình khai thác trên biển, từng mẻ lưới, vùng đánh bắt, sản lượng khai thác được… ngư dân đều ghi chép cẩn thận; tàu cá vừa cập cảng, việc đầu tiên của chủ tàu là làm các thủ tục khai báo với cơ quan quản lý về nguồn gốc thủy sản. Việc làm này giúp các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu thủy sản đáp ứng yêu cầu của thị trường về tính minh bạch sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm và thực hiện trách nhiệm xã hội.

Tuy nhiên, việc triển khai ghi nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc thủy sản bằng các văn bản giấy hiện nay tồn tại một số bất tiện như: Chưa đảm bảo tính chính xác, quy trình truy xuất tốn nhiều thời gian; việc ghi chép, lưu trữ hồ sơ, nhất là khi ngư dân khai thác trên biển sẽ gặp nhiều khó khăn. “Thực tế sản xuất trên biển ghi chép bằng giấy tờ khá bất tiện. Tôi nhớ mới đây, do gặp sóng to, gió lớn, giấy tờ ghi chép bị ướt, lem hết chữ, về bờ không đọc được, việc hoàn thiện hồ sơ cho lô hàng khai thác được gặp nhiều trục trặc”, ngư dân Nguyễn Hải Long - phường Vĩnh Phước (TP. Nha Trang) nói.

Triển khai truy xuất bằng điện tử

Để tìm ra giải pháp thuận tiện trong việc ghi chép, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, thời gian qua, Tổng cục Thủy sản đã mở rộng hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc điện tử đối với sản phẩm thủy sản. Theo đó, khi ứng dụng truy xuất bằng điện tử, toàn bộ thông tin ghi chép từ khâu sản xuất đến khâu thu mua, chế biến, tiêu thụ sẽ được mã hóa và lưu trữ trên hệ thống của Tổng cục Thủy sản. Riêng với ngư dân, các thông tin về nhật ký khai thác như: Hải trình của chuyến biển, sản lượng cá đánh bắt được, loài khai thác… sẽ được theo dõi và lưu trữ tại máy tính của Chi cục Thủy sản tỉnh.

Ông Nguyễn Quang Hùng cho biết: “Hiện nay, Tổng cục Thủy sản đã xây dựng xong phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử; việc thí điểm đang được triển khai cho tàu cá ở các địa phương như: Vũng Tàu, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên. Sau thí điểm, dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2023 sẽ triển khai áp dụng phần mềm trên phạm vi cả nước, khi đó sẽ cho phép áp dụng song song việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác cả văn bản giấy và trên phần mềm điện tử. Từ sau năm 2023 trở đi sẽ áp dụng hoàn toàn truy xuất nguồn gốc điện tử đối với các sản phẩm thủy sản”.

Truy xuất nguồn gốc thủy sản bằng điện tử được xem là giải pháp tối ưu cho các bên tham gia chuỗi khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản và đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, để ứng dụng thành công giải pháp này, một số vấn đề đặt ra là phần mềm ứng dụng phải đảm bảo tính an toàn, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các tác nhân tham gia chuỗi truy xuất, nhất là phải dễ sử dụng đối với ngư dân. Bên cạnh đó, nhiều ngư dân cho rằng, ngành thủy sản cần tổ chức tập huấn, chuyển giao phần mềm và tính toán việc hỗ trợ thiết bị cho ngư dân áp dụng.

(Theo báo Khánh Hòa)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục