Quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nước ngoài của Trung Quốc sắp có hiệu lực. Ðiều này khiến không ít doanh nghiệp (DN) lo ngại bởi, từ trước đến nay, nhiều đơn vị ỉ lại thị trường Trung Quốc dễ tính nên không chịu thay đổi. Giờ đây, thị trường quay ngoắt với những tiêu chuẩn khắt khe, đòi hỏi DN Việt phải bỏ nhanh việc làm ăn hời hợt, chấp nhận sự cạnh tranh chuyên nghiệp.
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, chỉ còn khoảng 1 tháng nữa, Lệnh 248 (Quy định Đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm) và Lệnh 249 (Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu) của Trung Quốc sẽ chính thức có hiệu lực. Đây là một bước ngoặt lớn trong việc kiểm soát hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia vào Trung Quốc với các tiêu chuẩn cao, khắt khe.
Theo ông Nam, trong 2 lệnh này, Trung Quốc sẽ siết các quy định về an toàn thực phẩm. Trong đó, sẽ có 18 sản phẩm thuộc phạm vi điều chỉnh (gồm thịt và sản phẩm từ thịt; sản phẩm thuỷ sản; sản phẩm sữa; rau tươi và rau tách nước, đậu khô, gia vị, các loại hạt và hạt giống, hạt ca cao, cà phê chưa rang, thực phẩm dinh dưỡng…).
Theo đó, toàn bộ DN nước ngoài sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang nước này đều phải đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Nước này cũng sẽ thiết lập chế độ kiểm tra, đánh giá đến từng DN ở nước xuất khẩu đảm bảo truy xuất nguồn gốc và truy hồi sản phẩm theo yêu cầu. Chẳng hạn, các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này ngoài việc công bố nguồn gốc, có bao bì, thương hiệu rõ ràng và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã đăng ký, còn phải cập nhật trên hệ thống quá trình ghi chép sản xuất, chế biến hằng ngày.
“Như sản phẩm thủy sản, cần ghi rõ đánh bắt ở đâu, tọa độ nào, thuộc huyện, tỉnh nào và cập nhật trên hệ thống. DN đáp ứng điều kiện xuất khẩu, nhưng khi cơ quan chức năng nước này kiểm tra trực tuyến đột xuất phát hiện có công nhân đeo khẩu trang không đúng cách, nhà máy có mạng nhện, không có kệ đặt hàng… là có thể bị xử lý, thậm chí thu hồi mã đăng ký. Lúc đó, DN phải làm lại hồ sơ mới tiếp tục được xuất khẩu”, ông Nam chia sẻ.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, dù ngành rau quả có giá trị xuất khẩu lên đến hơn 3 tỉ USD mỗi năm, song phần lớn DN tham gia là DN vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, vùng nguyên liệu còn manh mún, ít vùng chuyên canh nên khó áp dụng các tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt như các nước. Do đó, việc đáp ứng các quy định mới sẽ không dễ dàng, cần có thời gian dài để tập huấn cho nông dân, DN thích ứng.
Theo ông Nguyên, hiện tại, các nước như Anh, Nhật, Mỹ đã có đề nghị Trung Quốc lùi thời hạn áp dụng 2 lệnh 248 và 249 sau 18 tháng để các nước có thời gian chuẩn bị.
Trong khi đó, ở góc nhìn tích cực, các DN cho rằng, việc Trung Quốc siết chặt các quy định an toàn thực phẩm là điều không thể tránh khỏi. Trước đây, nhiều đơn vị còn ỷ lại thị trường Trung Quốc dễ tính nên ít chịu thay đổi, giờ thị trường đã khắt khe hơn, buộc các DN Việt phải “lột xác” nâng cấp chuyên nghiệp.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, đối với các DN xuất khẩu thủy sản, không quá lo trước các quy định này, bởi từ trước tới nay, xuất sang các thị trường khác như châu Âu, Mỹ, DN đều đáp ứng tốt. “Quy định chỉ gây khó cho những đơn vị sản xuất, cơ sở chế biến, vùng nuôi trồng nhỏ lẻ. Điều này buộc các đơn vị phải nâng cấp và quan tâm hơn vấn đề an toàn thực phẩm, chất lượng, bao bì, thương hiệu… Trung Quốc giờ không còn là thị trường xuất khẩu dễ tính. Họ đòi hỏi các DN, nhà sản xuất Việt Nam cần phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận để có thể giữ vững thị phần xuất khẩu sang thị trường hơn 1,3 tỷ dân này”, ông Hòe nói.
(Theo báo Tiền phong)
Mời Quý DN thủy sản tham gia khảo sát về khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid - 19