Ông Harald Naevdal - Tham tán thương mại, Giám đốc Phòng Thương mại Na Uy - đã trả lời phỏng vấn Báo Công Thương về hợp tác hai nước sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Na Uy mới đây.
Với tư cách là người phụ trách thúc đẩy hoạt động thương mại giữa hai nước, ông đánh giá như thế nào về những kết quả cụ thể mà hai bên đạt được trong chuyến thăm Na Uy của đoàn Chính phủ Việt Nam, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu?
Theo đánh giá của tôi và các doanh nghiệp Na Uy, chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam đã đạt được kết quả rất tốt đẹp. Na Uy mặc dù là một quốc gia nhỏ bé về diện tích nhưng sở hữu các giải pháp kỹ thuật rất tiên tiến, hiện đại và có thể áp dụng được ở Việt Nam. Vì là nước nhỏ, nên chúng tôi tập trung vào những lĩnh vực thế mạnh của mình, đó là kinh tế xanh, bao gồm những ngành và lĩnh vực liên quan đến biển như: Hàng hải, vận tải biển, đóng tầu, dầu khí và thủy sản. Đây cũng chính là những lĩnh vực phù hợp với sự quan tâm chung của hai nước, bởi chúng ta đều có đường bờ biển dài. Chuyến thăm vừa rồi khiến hai nước vốn xa nhau về địa lý sẽ trở nên gần gũi hơn, hai bên đều có thể học hỏi lẫn nhau. Vì thế, chúng tôi rất vui khi được đón ngài Thủ tướng Việt Nam tới thăm Na Uy.
Trong chuyến thăm, lãnh đạo hai bên đều thừa nhận, quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của hai bên, dù còn nhiều dư địa. Hiện, kim ngạch thương mại hai chiều mới chỉ dừng ở con số khiêm tốn vài trăm triệu USD/năm. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính và làm thế nào để khắc phục, đưa quan hệ kinh tế hai nước phát triển hơn nữa?
Theo tôi, có nhiều lý do. Một trong số đó có thể Na Uy là một quốc gia nhỏ, các công ty của chúng tôi rất cẩn trọng khi tiến hành các hoạt động tiếp thị, đặc biệt là chỉ xúc tiến khi tin rằng cơ hội ký kết hợp đồng là lớn nhất. Sự khác biệt về văn hóa, nhất là văn hóa kinh doanh, cũng có thể là một lý do. Có thể, đối với các công ty Na Uy, khoảng cách địa lý là một thách thức. Tuy nhiên, theo tôi, nền kinh tế Việt Nam hiện đang rất phát triển, các bạn rất quan tâm tới các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, vì thế chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để hợp tác và qua đó thúc đẩy thương mại hai chiều. Tôi rất lạc quan về triển vọng hợp tác trong tương lai giữa Việt Nam và Na Uy. Điều này cũng phụ thuộc vào mong muốn của Việt Nam. Nếu chỉ tìm kiếm những giải pháp có giá thành thấp nhất, Na Uy có thể không phải là một đối tác phù hợp.
Về phía Na Uy, các doanh nghiệp cũng đánh giá Việt Nam là thị trường mới nổi và là địa chỉ ưu tiên hàng đầu để đầu tư vào các lĩnh vực như thủy sản, chế biến phụ phẩm từ thủy sản, năng lượng, dầu khí, điện mặt trời. Ông đánh giá như thế nào về tương lai hợp tác của hai bên trong những lĩnh vực này?
Đây là những lĩnh vực hợp tác rất tiềm năng, nhưng cũng rất khác nhau. Lấy thủy sản làm ví dụ. Cách đây 60 năm, đội tàu đánh bắt của Na Uy giống với Việt Nam hiện nay. Từ xuất phát điểm đó, chúng tôi đã phát triển để trở thành một quốc gia đánh bắt tiên tiến như hiện tại, đặc biệt chú trọng tới đánh bắt bền vững, chẳng hạn không đánh bắt cá nhỏ và quá gần bờ. Hiện tại, chúng tôi có những phương tiện đánh bắt rất tối tân, nên có thể chúng ta sẽ bắt đầu bằng một số dự án thí điểm, mà tôi nghĩ có thể đem lại cho Việt Nam những kinh nghiệm bổ ích để phát triển và hiện đại hóa đội tầu đánh bắt của mình.
Nói về năng lượng, chúng tôi thấy đây là một lĩnh vực sung mãn của Việt Nam, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Na Uy có thể trở thành một đối tác thú vị của Việt Nam trong lĩnh vực này. Hiện, có một số công ty năng lượng của Na Uy đang sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam. Đây cũng là một lĩnh vực Na Uy rất có kinh nghiệm chuyên môn và kỹ năng.
Chế biến thủy sản và các sản phẩm khác, chúng tôi tin rằng Na Uy có thể hỗ trợ Việt Nam phát triển các sản phẩm tiên tiến hơn, có chất lượng cao và hấp dẫn hơn với thị trường thế giới.
Những khó khăn mà doanh nghiệp Na Uy gặp phải ở thị trường Việt Nam là gì? Ông có đề xuất gì đối với Chính phủ Việt Nam nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn này không?
Các doanh nghiệp Na Uy của chúng tôi đặc biệt đã rất quen với các thị trường châu Âu, Mỹ và Đông Bắc Á. Họ cũng đã quen thực hiện các chính sách và tiêu chuẩn quốc tế. Một điều có thể khiến hoạt động đầu tư của các công ty Na Uy ở Việt Nam dễ dàng hơn, đó là các khoản đầu tư quốc tế tại Việt Nam cần tuân thủ tốt hơn quy định và quy tắc quốc tế. Chúng tôi gặp phải một số khó khăn trong lĩnh vực điện mặt trời nhưng hy vọng bất cập sẽ sớm được giải quyết. Khi đó, các công ty Na Uy sẽ sẵn sàng đầu tư ngay lập tức hàng trăm triệu đô la vào Việt Nam.
Mới đây, hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã cử một đoàn công tác tới Na Uy để tìm hiểu về nuôi trồng, chế biến thủy - hải sản, ông có thể cho biết kết quả hợp tác cụ thể giữa hai bên từ chuyến đi này?
Bản thân tôi nhận thấy và tin tưởng rằng, nuôi trồng, chế biến thủy sản và đặc biệt là nuôi biển, tức là nuôi trồng thủy sản ngoài khơi, sẽ là lĩnh vực Na Uy và Việt Nam đạt được rất nhiều thành công nếu chúng ta hợp tác chặt chẽ hơn nữa. Trong chuyến đi vừa rồi tới Na Uy, đoàn nghiên cứu của Việt Nam tập trung tới kỹ thuật nuôi cá tra. Từ đầu những năm 90, Na Uy đã ngừng dùng kháng sinh cho cá hồi. Hiện tại, cá hồi nuôi của chúng tôi được tiêm 1 liều vắc-xin phòng 7 loại bệnh từ khi cá còn nhỏ. Chúng tôi chắc chắn, sản phẩm cá tra của Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn với thị trường châu Âu và châu Mỹ nếu chúng ta dừng sử dụng kháng sinh cho cá và thay vào đó dùng vắc-xin phòng bệnh. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với mục tiêu xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra.
Na Uy là nước điều phối đàm phán về FTA giữa Việt Nam và khối EFTA, xin ông cho biết về tương lai đàm phán đối với FTA này? Khúc mắc chính hiện nằm ở đâu và Na Uy có giải pháp gì chưa?
Đây là vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương Na Uy. Nhưng chúng tôi rất mong việc đàm phán và ký kết Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và khối Mậu dịch Tự do châu Âu (EFTA – gồm 4 nước Na Uy, Thụy Sĩ, Iceland và Liechtenstein) được hoàn tất càng sớm càng tốt, vì Hiệp định này chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Na Uy và cả Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn ông!
(Theo báo Công Thương)