Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong nửa đầu tháng 8-2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 263,8 triệu đô la Mỹ, giảm 41% so với nửa cuối tháng 7-2021 và giảm 30,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự sụt giảm này. Kể từ khi chỉ thị 16 được ban hành, hàng loạt nhà máy chế biển thủy sản tại phía Nam ngừng hoạt động. Với những doanh nghiệp đáp ứng được phương án “3 tại chỗ” thì công suất trung bình cũng chỉ đạt khoảng 30-40% so với bình thường.
Thực tế đến ngày 20-8, ở các tỉnh phía Nam chỉ còn 326/449 (chiếm 65%) cơ sở chế biến duy trì được sản xuất. Nhưng ở các nhà máy này, doanh nghiệp phải chia công nhân thay nhau làm ca nên công suất trung bình chỉ đạt khoảng 30-40% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Giám đốc kinh doanh Công ty Nam Việt chia sẻ trên VTC Neww, với công suất hiện tại, Nam Việt không thể hoàn thiện các đơn hàng đã ký kết cho các đối tác của mình trong thời gian tới. “Các hệ thống siêu thị ở châu Âu và Mỹ họ đòi hỏi thời gian giao hàng phải như cam kết. Trong khi đó với tình hình hiện tại, việc hoàn thành đơn hàng đúng thời điểm là gần như không thể. Chúng tôi đã tiến hành thương lượng lùi thời điểm giao, một số đối tác đồng ý nhưng một số khác dọa kiện và đòi bồi thường thiệt hại.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhận định trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước đang diễn ra phức tạp như hiện tại thì không thể nói trước được điều gì. Nếu trong tháng 9, dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp được nối lại thì việc duy trì đà tăng trưởng của ngành là không khó. Vì ở thời điểm này, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy hải sản tại các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, châu Âu… đang phục hồi rất tốt. Ngược lại, nếu tình trạng hiện tại vẫn không có sự chuyển biến sẽ khó ngăn được đà sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu của ngành trong thời gian còn lại của năm 2021.
(Theo DN hội nhập)