Phấn đấu phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia

Đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn.

Mục tiêu của chiến lược là đến năm 2030, phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Phấn đấu phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia
Ảnh minh họa

Theo Chiến lược đề ra, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0 - 4,0%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7,0 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn). Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỷ USD.

Giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động, có thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương thu nhập bình quân chung lao động cả nước. Xây dựng các làng cá ven biển, đảo thành các cộng đồng dân cư văn minh, có đời sống văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc riêng gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới; giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển.

Định hướng phát triển theo lĩnh vực, trong thời gian tới thành lập mới, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu bảo tồn biển. Quan tâm bảo vệ các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non sinh sống và đường di cư của loài thủy sản. Phát triển bảo tồn biển gắn với du lịch sinh thái và nông thôn mới; tổ chức quản lý, bảo vệ các khu vực thủy sản tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non sinh sống và đường di cư của các giống loài thủy sản.

theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2021, sản lượng thủy sản cả nước đạt 1.141,4 ngàn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, gồm sản lượng nuôi trồng đạt 600,5 ngàn tấn, tăng 2,5%; sản lượng khai thác đạt 540,9 ngàn tấn, tăng 0,5% (sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 512,7 ngàn tấn, tăng 0,5%).

Mỹ, EU, Canada, ASEAN, Ai Cập, Ixraen và Nhật Bản là những thị trường tiêu thụ cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2021

Có 853 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản. Trong đó, có 6 doanh nghiệp có trị giá đạt trên 10 triệu USD, đứng đầu là Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng, Công ty Cp Vĩnh Hoàn, Công ty Cp Thủy Sản Minh Phú - Hậu Giang, Công ty Cp Tập đoàn Thủy Sản Minh Phú...

Có 137 doanh nghiệp có trị giá xuất khẩu trong tháng 1/2021 đạt từ 1 đến 9,9 triệu USD. Còn lại là các doanh nghiệp xuất khẩu đạt trị giá dưới 1 triệu USD, chiếm 25,5% tổng trị giá xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Trong 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 259,1 ngàn tấn với trị giá 1,011 tỷ USD, tăng 5,5% về lượng và giảm 0,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 2% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Như vậy xuất khẩu thủy sản của Việt Nam những tháng đầu năm 2021 chưa có nhiều biến đổi lớn so với năm 2020. Dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ tăng tốc mạnh từ tháng 3/2021 do các doanh nghiệp đã có sự quyết tâm và chuẩn bị kỹ từ nguồn cung tới sản xuất để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản trong năm 2021.

Đầu năm 2021, thủy sản Việt Nam được xuất khẩu tới 111 thị trường trong đó Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc lần lượt là những thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu thủy sản tới hầu hết các thị trường lớn đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

(Theo DN Hội nhập)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục