Những nỗ lực vượt khó của ngành nông nghiệp trong đại dịch Covid-19

Dịch Covid-19 đã để lại những tác động vô cùng to lớn đến nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó có ngành nông nghiệp. Nhưng vượt lên khó khăn, bằng nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành linh hoạt, ngành nông nghiệp vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

Chiều 11/11, Báo Nông thôn ngày nay tổ chức Tọa đàm trực tuyến nhìn lại công tác chỉ đạo, điều hành vượt khó của ngành nông nghiệp giữa đại dịch Covid-19.

Khẳng định vai trò trụ đỡ quan trọng trong nền kinh tế

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp, tác động đến nhiều lĩnh vực, ngành nông nghiệp khẳng định được vai trò là trụ đỡ quan trọng cho nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 2,74% và đóng góp 23,54% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế.

9 tháng đầu năm 2021, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện hết sức khó khăn và nhiều thách thức. Đó là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cả trong nước và thế giới, đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, xuất khẩu nông sản của nước ta.

Trong khi đó, sự cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc… gây khó khăn cho sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản.

Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp. Biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn, thiên tai dị thường, hạn hán và xâm nhập mặn tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống người dân.

Trong bối cảnh đó, với sự nỗ lực của toàn ngành, người nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp, 9 tháng qua, ngành nông lâm thủy sản vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, khẳng định vai trò là trụ đỡ của kinh tế - xã hội cả nước. Theo Tổng cục Thống kê, giá trị gia tăng (VA) của ngành nông nghiệp quý III tăng 1,04% so với quý III năm 2020.

Lũy kế 9 tháng, tốc độ tăng trưởng VA của ngành nông nghiệp đạt 2,74% (nông nghiệp tăng 3,32%, lâm nghiệp tăng 3,3%, thủy sản tăng 0,66%) và đóng góp 23,52% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế (GDP cả nước +1,42%).

Dù gặp rất nhiều khó khăn do làn sóng dịch Covid-19 thứ tư gây ra nhưng nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của ngành nông nghiệp đạt và vượt kế hoạch đề ra, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Các mặt hàng nông lâm thủy sản tăng cả về số lượng và giá trị xuất khẩu. 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản, nhất là nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng tăng mạnh, ước đạt 32,2 tỷ USD, tăng 41,6%. Do vậy, xuất siêu 9 tháng dù đạt hơn 3,3 tỷ USD nhưng giảm 55,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng vừa qua, ngành nông nghiệp đã tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế và xúc tiến thương mại. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Tổ công tác phía nam (Tổ công tác 970) và Tổ công tác phía bắc (Tổ công tác 3430) để chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã,… thực hiện các giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản trong tình hình giãn cách theo Chỉ thị 16, đặc biệt tại 19 tỉnh Nam Bộ.

Những nỗ lực vượt khó của ngành nông nghiệp trong đại dịch Covid-19 -0

Tọa đàm trực tuyến nhìn lại công tác chỉ đạo, điều hành vượt khó của ngành nông nghiệp giữa đại dịch Covid-19. 

Tiếp tục đối mặt khó khăn thách thức trong quý IV

Đánh giá về kết quả tăng trưởng ấn tượng của ngành nông nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng: Dịch Covid-19 bùng phát khiến ngành nông nghiệp đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức (nguồn nhân lực, thị trường, cước phí vận tải... tăng mạnh), nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt 2,74%, đóng góp 23,54% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 35,5 tỷ USD.

Những con số đó đủ nói lên nông nghiệp là bệ đỡ, là tấm khiên vững chắc của nền kinh tế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã “nhập cuộc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, phân phối, lưu thông, chế biến, tiêu thụ nông sản (cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp) trong bối cảnh dịch Covid-19.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả tích cực, ông Thủy cho rằng ngành nông nghiệp vẫn chưa có sự bền vững. Quý 4 năm nay, ngành nông nghiệp tiếp tục đối diện 4 khó khăn, đứt gãy chuỗi cung ứng cục bộ, dịch Covid-19 di chuyển từ khu vực này sang khu vực khác. Về xuất khẩu thủy sản, thẻ vàng chưa được gỡ bỏ, 556 tàu thuyền vi phạm, 444 lao động. Bên cạnh đó, giá thức ăn tăng lên rất nhiều. Ngành mật ong chiếm đứng trước nguy cơ Mỹ điều tra chống phá giá.

Từ các vấn đề nêu trên, ông Thủy nhận định, cỗ xe tăng trưởng của ngành nông nghiệp gồm 3 bánh xe chính là: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Tuy nhiên 3 bánh xe này đang thiếu hơi, đặc biệt là thiếu hơi trong đầu tư sẽ khiến cho cỗ xe chậm lại.

Nói về chỉ đạo điều hành của ngành nông nghiệp trong thời điểm dịch bệnh diễn ra căng thẳng, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Ameii Việt Nam cho hay: Khi dịch bệnh xảy ra thì bản thân doanh nghiệp chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp khác đều rất lo lắng, có những thời điểm chủ trương vẫn cho sản xuất nhưng công nhân ở địa phương chưa được đi làm, vấn đề khó khăn thứ hai là lưu thông, thứ ba là quy mô sản xuất giảm.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Thí dụ, có những lúc xe hàng không lưu thông được thì dù 12 giờ đêm giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phó chủ tịch tỉnh vẫn túc trực để giải quyết triệt để cho doanh nghiệp. Điều này chính là sự động viên, khích lệ rất lớn để những doanh nghiệp như chúng tôi tiếp tục cố gắng duy trì vận hành, duy trì sản xuất.

(Theo báo Nhân dân)

Mời Quý DN thủy sản tham gia khảo sát về khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid - 19

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục