Quá trình chống khai thác bất hợp pháp theo khuyến nghị của EC có chuyển biến, nhưng chừng đó không đủ để khỏa lấp đi những mối lo của ngành Thủy sản Nghệ An.
Nếu vì ngành Thủy sản Nghệ An là một bức tranh đa chiều thì Quỳnh Lưu chính là nét cọ nổi bật nhất. Huyện này có bờ biển dài 19,5 km, có 1.164 phương tiện khai thác với khoảng 8.000 lao động.
Hàng năm, sản lượng khai thác thủy sản toàn huyện vào khoảng 65.000 – 70.000 tấn (chiếm gần 50% của tỉnh), trung bình mỗi năm tăng từ 10 – 15%, tổng giá trị ước đạt 1.400 tỷ đồng.
Theo xu thế, cơ cấu đội tàu khai thác địa phương có sự thay đổi khá rõ cả về số lượng lẫn công suất máy. Chủ sở hữu chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học (máy dò cá, máy thông tin tầm xa, máy định vị, hầm bảo quản bằng vật liệu PU, hệ thống tời…) để cải thiện năng suất, đồng thời giảm sức lao động lẫn mức độ rủi ro trên biển.
Trên thực tế, việc thực hiện khuyến nghị của EC liên quan đến hoạt động chống khai thác thủy sản bất hợp pháp nhìn chung đạt được một số kết quả nhất định. Dù vậy nếu xét một cách tổng quan vẫn tồn tại hàng loạt vấn đề tồn đọng, lâu dài cần sớm đưa ra phương án tối ưu để “vá” những lỗ hổng này.
Trình bày nội dung tham luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, ông Đặng Ngọc Bình nêu rõ: Cơ cấu nghề chưa hợp lý, tổ chức sản xuất trên biển vẫn mang tính nhỏ lẻ; công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu sau thu hoạch còn hạn chế; tình trạng cạnh trạng giữa các loại nghề, các nhóm tàu, giữa các địa phương trong một ngư trường ngày càng lớn.
Bên cạnh đó, nhiều phương tiện khai thác mang tính tận thu, hủy diệt; thiết bị giám sát hành trình thường xuyên mất tín hiệu kết nối; tình trạng vi phạm vùng khai thác, khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định vẫn tiếp diễn…
Chưa hết, việc gia tăng nhanh số lượng tàu thuyền là một vấn đề nan giải, nhất là khi 2 cảng cá trên địa bàn, nhất là cảng Lạch Thơi thường xuyên bị bồi lắng, cơ bản không đủ khả năng tiếp nhận phương tiện quy mô.
Thêm nữa là hiểm họa tiềm tàng đến từ tình trạng khai thác gần bờ, qua theo dõi cho thấy số lượng tàu thường xuyên quần thảo khu vực này khá nhiều, công đoạn đánh bắt tận diệt không được xử lý triệt để khiến cho nguồn lợi lẫn môi trường sinh thái tự nhiên bị đe dọa trầm trọng. Bằng chứng là nhiều loài sinh vật biển đang cho thấy dấu hiệu suy giảm mạnh, thậm chí đối diện nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai không xa.
Công tác quản lý chung về ngành nghề khai thác thủy sản tại huyện trọng điểm Quỳnh Lưu chưa đảm bảo, riêng năm 2020 xảy ra đến 22 vụ tai nạn tàu cá, điển hình ngày 9/10 cháy liên hoàn 4 phương tiện gây thiệt hại hàng tỷ đồng khi neo đậu ở cảng Lạch Quèn.
Nguồn lợi trên biển giảm là một trong những nguyên do dẫn đến thực trạng lao động bỏ nghề hàng loạt để chuyển hướng sang những phương án khả dĩ hơn. Dù vậy khi tìm hiểu sâu xa ngọn ngành thì yếu tố trên chỉ quyết định một phần, thực chất các chủ trương, chính sách kích cầu của Nhà nước chưa phát huy tối đa giá trị, điều này đã tác động lớn đến tâm lý của số đông ngư dân.
Qua nắm bắt tình hình thực tiễn, sau khi nếm “trái đắng” từ Nghị định 67/2014/NĐ-CP, đến nay đã có những ý kiến than phiền về những bất cập của Nghị định 17/2018/NĐ-CP liên quan đến những chính sách phát triển thủy sản trên địa bàn Nghệ An…
(Theo Nông nghiệp Việt Nam)