Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), công suất chung của các nhà máy chế biến thuỷ sản phía nam chỉ còn khoảng 40%. Nhiều khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp (DN) thuỷ sản.
Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến về thực trạng này cũng như kế hoạch gỡ vướng cho các DN thuỷ sản trong thời gian tới.
Thưa Thứ trưởng, hiện nay Bộ NN&PTNT đang triển khai những giải pháp gì để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN thuỷ sản trong bối cảnh tác động của đại dịch?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã thành lập 2 tổ công tác: Tổ 3430 ở phía bắc và Tổ 970 ở phía nam để rà soát, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về các cơ sở cung ứng và kết nối tiêu thụ cho các sản phẩm nông thủy sản. Hai tổ công tác này sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn trong việc lưu thông, vận chuyển vật tư, bao bì, nguyên liệu, thức ăn, con giống phục vụ sản xuất, chế biến thủy sản tại các địa phương. Trực tiếp kiểm tra, khảo sát thực tế tại một số vùng nguyên liệu, các nhà máy chế biến trọng điểm để nắm bắt tình hình cung ứng thủy sản cho các địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi các địa phương về việc hỗ trợ tiêu thụ nông thủy sản trong dịch COVID-19. Bộ đề nghị các địa phương chỉ đạo các Sở NN&PTNT thành lập Tổ công tác do 1 đồng chí lãnh đạo Sở làm tổ trưởng và thiết lập đường dây nóng nhằm chỉ đạo sản xuất, kết nối cung cầu nông thủy sản, tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, thu hoạch, vận chuyển vật tư nông nghiệp và sản phẩm thủy sản.
Bộ cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước, các địa phương và hiệp hội ngành hàng nắm bắt và phối hợp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ, vận chuyển nông thủy sản tại các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, vật tư nông nghiệp, tránh tình trạng ách tắc tại các cửa khẩu. Với đề xuất của Bộ NN&PTNT, Chính phủ đã ban hành văn bản số 5187/VPCP-CN ngày 29/7/2021 gửi các bộ, ngành, địa phương về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19.
Hiện nay, Bộ cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp trực tuyến với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiêp thủy sản, các tham tán thương mại, các cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu, các đơn vị vận chuyển, sàn giao dịch thương mại điện tử,… để tiếp thu các kiến nghị, đề xuất và đưa ra các giải pháp tháo gỡ kịp thời cho các doanh nghiệp trong vấn đề sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ thủy sản trong nước và xuất khẩu.
Các đơn vị trong Bộ cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều sự kiện kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại trực tuyến với các điểm cầu trong và ngoài nước để thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông thủy sản.
Với những biện pháp này, hiệu quả thúc đẩy tiêu thụ thuỷ sản được ghi nhận như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Về thúc đẩy tiêu thụ thủy sản tại thị trường trong nước, trước tiên phải nói đến các tỉnh phía nam. Hiện Bộ NN&PTNT đã tổng hợp được 1.166 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký qua Tổ Công tác 970, gồm hơn 600 đầu mối về rau, củ, quả và 423 đầu mối về thủy hải sản - chăn nuôi… Tổ công tác đã kết nối thành công và tiêu thụ hàng nghìn tấn sản phẩm/ngày.
Bộ NN&PTNT đã xây dựng và đưa vào hoạt động trang web kết nông cung cầu sản phẩm tại địa chỉ htx.cooplink.com.vn giúp đẩy nhanh tiến độ kết nối và mua bán nông thủy sản khi người mua và người bán tự tìm được số điện thoại và thông tin sản phẩm cần mua và cần bán trên web. Có 1.307 đơn vị đăng ký sử dụng gồm 1.009 đơn vị đăng ký bán (77,6%), 206 đơn vị đăng ký mua (15,8%), 47 cơ quan hỗ trợ của nhà nước (3,6%) và 39 tổ chức hỗ trợ mua bán cho nông dân (3%).
Tại phía bắc, Bộ đã chủ động làm việc với TP. Hà Nội và các tỉnh khác để xác định cung cầu nông thủy sản; xây dựng kịch bản cung ứng theo tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19. Từ đó đã xác định được tổng nhu cầu lương thực, thực phẩm, khả năng tự cung cấp của Hà Nội và phần thiếu hụt cần cung ứng của các tỉnh ngoài. Đối với thủy sản thì Hà Nội cần thêm khoảng 2000 tấn/tháng từ các tỉnh bên ngoài.
Bộ đã tổng hợp tình hình sản xuất, xây dựng kế hoạch cung ứng thủy sản cho từng tháng từ nay đến cuối năm của các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra. Theo đó, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 242.150 ha nuôi ao đầm và hơn 1 triệu lồng bè nuôi trồng thủy sản trên các sông, suối, hồ, biển. Sản lượng nuôi trồng thủy sản 7 tháng đầu năm đạt 571.659 tấn, trong đó sản lượng tập trung chủ yếu tại các địa phương như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ. Ước tính thực hiện cả năm 2021 được 1.135.493 tấn (đạt 100% kế hoạch năm 2021). Như vậy, về nguồn cung thủy sản cơ bản sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu của các tỉnh phía bắc từ nay đến cuối năm.
Tổ công tác phía bắc của Bộ vẫn đang tiếp tục tổng hợp, cập nhật danh sách, kết nối cung cầu cho các cơ sở, hợp tác xã sản xuất, chế biến thủy sản với các hệ thống siêu thị, kênh phân phối tiện dụng và thương mại điện tử để đảm bảo nguồn cung và đáp ứng nhu cầu thủy sản cho người dân tại Hà Nội và các tỉnh phía bắc.
Về tình hình xuất khẩu thủy sản, với sự chủ động vượt khó của cộng đồng DN và sự vào cuộc tháo gỡ khó khăn kịp thời, quyết liệt của Bộ tại các thị trường trọng điểm như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nga, Trung Đông, Brazil, Australia,... thông qua các cuộc đàm phán, xúc tiến thương mại đã mang lại kết quả xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm rất khả quan. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4,97 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ 2020. Hầu hết các thị trường và sản phẩm đều có mức tăng trưởng khá. Riêng thị trường Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm 10,5%. Bộ đã và đang tiếp tục chủ động đàm phán với cơ quan thẩm quyền Trung Quốc, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và các cơ quan chức năng tại các cửa khẩu biên giới tiếp giáp với Trung Quốc để từng bước tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.
Cuộc chiến chống COVID-19 được xác định là có thể kéo dài vì diễn biến rất khó lường. Bộ chuẩn bị phương án, kịch bản ra sao để đồng hành, chung sức cùng DN thuỷ sản, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Tình hình hoạt động của các DN chế biến xuất khẩu thủy sản đã, đang và sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Số DN chế biến thủy sản xuất khẩu khu vực Nam Bộ tạm dừng sản xuất là 123 cơ sở (có ca nhiễm COVID-19 phải dừng sản xuất là 19 cơ sở và 104 cơ sở dừng sản xuất do không đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ”). Như vậy còn 326/449 cơ sở tại 19 tỉnh, thành phố phía nam tiếp tục sản xuất, chiếm 65%.
Tuy nhiên, do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ khoảng 30-40% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16. Do TPHCM và các tỉnh đều kéo dài thời gian giãn cách sau 15/8 nên các DN chế biến thủy sản sẽ thêm khó khăn bởi chi phí “3 tại chỗ” rất cao. Chuẩn bị cho phương án tình trạng này sẽ còn kéo dài và ảnh hưởng đến toàn chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản, Bộ sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện các giải pháp, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tiếp tục duy trì hoạt động của 2 tổ công tác và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, hiệp hội ngành hàng để nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, vận chuyển và tiêu thụ thủy sản. Chỉ đạo xuyên suốt các địa phương đảm bảo đủ con giống, thức ăn, nguyên liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất thủy sản và duy trì hoạt động của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, tiêu thụ nội địa, tránh đứt gẫy chuỗi sản xuất.
Thứ hai là tăng cường các cuộc họp, đàm phán và kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại theo hình thức trực tuyến để tháo gỡ rào cản, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và thúc đẩy xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm.
Bộ NN&PTNT cũng sẽ tiếp tục có các đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại từng thời điểm, từng điều kiện, tình huống cụ thể nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất, chế biến, lưu thông, xuất nhập khẩu thủy sản.
Xin cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng!
(Theo VGP)