Kiên Giang sắp xếp, cơ cấu lại nghề khai thác thủy sản

Từ nay đến năm 2025, tỉnh Kiên Giang thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại nghề khai thác thủy sản trên ngư trường, nhằm phát triển nghề cá theo hướng bền vững; khôi phục và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên đang trong tình trạng suy kiệt.
Kiên Giang sắp xếp cơ cấu lại nghề khai thác thủy sản
Ảnh minh họa

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tỉnh điều chỉnh, sắp xếp, cơ cấu lại nghề khai thác thủy sản dựa vào khả năng cho phép đánh bắt của nguồn lợi thủy sản tự nhiên và thực tế hoạt động của nghề cá.

Cùng với đó, sắp xếp lại khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang theo hướng giảm cường lực khai thác của các nghề khai thác hải sản tầng đáy, đặc biệt là nghề lưới kéo, tăng cường lực khai thác cá nổi nhỏ với nghề lưới vây. Ước tính có khoảng 2.550 tàu cá phải cắt giảm, chuyển đổi.

Tỉnh Kiên Giang tăng cường kiểm tra, kiểm soát không để các đội tàu có chiều dài từ 15 m trở lên vào vùng biển ven bờ và vùng lộng trên ngư trường khai thác đánh bắt thủy sản, nhất là tàu lưới kéo, lưới vây…

Hiện nay, ngành chức năng đang tỉnh rà soát lại toàn bộ số tàu chưa đăng ký và nếu đủ điều kiện đăng ký theo quy định để cấp giấy chứng nhận đăng ký. Đồng thời, xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi nghề nghiệp cho các nhóm tàu bị cắt giảm, chuyển đổi; đánh giá hiệu quả và chọn lựa mô hình phù hợp, bền vững với từng nghề.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng phân vùng khai thác thủy sản; số hóa bản đồ phân vùng quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển; tích hợp với hệ thống giám sát tàu cá hoặc máy định vị hải đồ, smartphone…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, khu vực cấm, hạn chế khai thác đánh bắt và khoanh vùng bảo vệ nguồn giống thủy sản ở vùng biển Kiên Giang bao phủ hầu hết vùng bờ và một phần của vùng lộng.

Theo khảo sát điều tra của ngành chức năng, vùng biển Kiên Giang có đa dạng sinh học cao với khoảng 536 loài, thuộc 267 giống, thuộc 116 họ, trong đó có 385 lời cá, hơn 100 loài giáp xác, 30 loài động vật chân đầu, 14 loài thân mềm và 2 loài sam thuộc lớp giáp cổ. Trữ lượng nguồn lợi thủy sản ở vùng biển Kiên Giang khoảng 145.000 tấn, với khả năng khai thác hơn 100.000 tấn.

(Theo Vietnambiz)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục