Thời gian gần đây, giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng rất lớn cho việc vươn khơi bám biển của ngư dân. Tỉnh Bình Định khuyến cáo, ngư dân nên khai thác theo tổ đội, theo chuỗi liên kết để giảm chi phí.
Trở về sau chuyến biển dài 23 ngày, nhưng ngư dân Võ Ngọc Dân (45 tuổi, trú phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) bước lên bờ, về nhà trong khuôn mặt không vui.
Chủ tàu cá BĐ-98627 này cho biết, chuyến biển vừa qua ông cùng với bạn đi câu cá ngừ đại dương ở ngư trường Trường Sa. Sau 23 ngày khai thác trên biển, tàu cá của ông chỉ câu được 18 con cá ngừ đại dương, tổng cá chỉ đạt 7 tạ. Với giá bán 150.000 đồng/kg, chuyến biển vừa rồi chỉ đủ trừ chi phí, còn tiền bạn không có.
“Bây giờ tàu đông, đánh bắt sản lượng ít, giá dầu thì lại cao quá. Giá dầu sao chứ cứ giữ giá dầu 25-26 vậy là chắc ngư dân không dám đi biển, đậu bờ ở nhà không ai dám đi. Không phải riêng tôi mà anh em ngư trường ở đây ai cũng đều muốn giá dầu hạ để còn đi làm kiếm đồng vào đồng ra còn không thì không dám đi” - ông Dân cho hay.
Không chỉ ông Dân mà rất nhiều chủ tàu cá ở Bình Định đều lo lắng khi giá dầu tăng cao, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế. Ngư dân địa phương lo lắng thu không đủ bù chi nên chấp nhận cho tàu nằm bờ, chờ khi nào giá xăng dầu hạ thấp mới ra khơi trở lại.
“Nếu đánh bắt mà mỗi chuyến kiếm được 3 đến 5 triệu thì cố đi. Chúng tôi cố gắng vươn khơi bám biển, kiếm đồng ra đồng vào chứ làm kinh tế mà ở nhà làm gì. Còn nếu như giá dầu cao quá, khả năng tàu đánh bắt không có cá thì chắc ở nhà”, ngư dân Đào Văn Xuân (52 tuổi, trú xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), chủ tàu cá BĐ-98652 chuyên hành nghề câu cá ngừ đại dương nói.
Năm 2022, toàn tỉnh Bình Định có khoảng 5.000 tàu cá đánh bắt trên biển, khai thác chủ yếu ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa với các nghề chủ yếu gồm câu, lưới vây, mành chụp... Sản lượng thủy sản quý I năm 2022 của tỉnh Bình Định ước đạt hơn 47.260 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá xăng dầu liên tục tăng cao, ngư dân phải tăng thêm một khoảng lớn chi phí cho chuyến đi. Thậm chí có chuyến biển ngư dân chấp nhận đầu tư đi nhưng thu lại chỉ vừa đủ tiền chi phí.
Tại cảng cá Quy Nhơn, trong nửa đầu tháng 3.2022 có 123 tàu cá cập cảng để bán cá và neo đậu nhưng chỉ có 81 tàu xuất bến.
Ông Đào Xuân Thiện - Giám đốc Ban quản lý cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định - cho hay, qua theo dõi, số tàu đang nằm bờ chủ yếu là tàu cá đánh bắt ven bờ.
“Những tàu đánh bắt ven bờ đi với chi phí nhỏ nhất. Nếu giá nguyên liệu tăng và giá hàng hóa không tăng thì đương nhiên những người đánh bắt nhỏ lẻ sẽ cầm cự khó hơn những tàu lớn” - ông Thiện cho hay.
Theo ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định - dầu là nguyên liệu chính phục vụ khai thác thủy sản. Hiện giá dầu tăng cao đã ảnh hưởng đến tình hình khai thác thủy sản của ngư dân.
“Trên chủ trương chung, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định khuyến cáo ngư dân nên đi khai thác theo tổ đội, nhóm. Khi sản phẩm trong tổ đội đáp ứng có thể luân chuyển tàu đi về, hạn chế nhiều tàu cùng về cùng một lúc để giảm bớt chi phí xăng, dầu” - ông Phúc nói.
Phương Linh (Theo laodong.vn)