Nghề nuôi cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh Nam Định mặc dù phát triển từ lâu nhưng chủ yếu các hộ vẫn thực hiện phương thức nuôi ghép các loại cá truyền thống như: mè, trôi, trắm cỏ, chép... có nhược điểm là chưa tận dụng tối đa các nguồn thức ăn tự nhiên có trong ao nuôi.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, giá cả các yếu tố đầu vào như thức ăn, con giống, nhân công, điện… ngày càng tăng cao khiến chi phí sản xuất nhiều làm thu nhập của người nuôi giảm đi rõ rệt. Thời vụ đầu tư sản xuất luôn có chu kỳ dài tối thiểu là 6-10 tháng/vụ nuôi khiến người dân gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư sản xuất. Việc thu hoạch tập trung vào cuối vụ khiến người nuôi bị động trong tính toán lỗ lãi và phương án đầu tư cho vụ nuôi kế tiếp. Nếu cá bị dịch bệnh chết thì người dân bị mất vốn, khó có nguồn đầu tư tái sản xuất. Nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu rủi ro khi nuôi cá nước ngọt, Trung tâm Giống thủy đặc sản tỉnh đã xây dựng mô hình nuôi xen canh tôm thẻ chân trắng trong ao nuôi cá nước ngọt tại xã Xuân Hòa (Xuân Trường). Đây là khu vực cửa sông ven biển, nơi có cả nguồn nước ngọt và nước lợ, phù hợp với điều kiện để thực hiện mô hình. Mô hình đã được triển khai sang năm thứ 2, đến nay đã có nhiều người dân quan tâm và thực hiện.
Anh Phạm Văn Chương, xóm 13, xã Xuân Hòa (Xuân Trường) có diện tích 1,2ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng xen canh với cá trắm đen. Năm 2016, anh là một trong những hộ thí điểm thực hiện mô hình này. Năm đầu tiên thực hiện mô hình, hộ anh Chương thu hoạch được trên 3 tấn tôm thẻ chân trắng, hơn 3 tấn cá trắm đen; thu lãi trên 300 triệu đồng. Thành công đó tạo động lực để năm nay anh Chương tiếp tục thực hiện mô hình, thả hơn 20 vạn con tôm thẻ chân trắng và hơn 1 vạn con cá trắm đen. Anh Chương khẳng định: “Nuôi xen canh tôm thẻ chân trắng với cá trắm đen rất có lợi. Cả tôm và cá đều phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh, môi trường nước trong hơn. Khi nuôi xen canh, 2 đối tượng này sẽ hỗ trợ nhau rất tốt vì nếu tôm bị dịch bệnh thì cá sẽ tiêu diệt con tôm bệnh giúp không làm dịch bệnh lây lan. Ngoài ra, thức ăn thừa của tôm và phân tôm cũng sẽ được cá dọn sạch giúp bảo đảm môi trường nước. Mật độ nuôi mỗi đối tượng đều giảm xuống giúp cả tôm và cá nhanh lớn hơn và giảm chi phí sản xuất”. Anh Chương cho biết thêm, để đạt được hiệu quả kinh tế cao từ mô hình nuôi xen canh tôm thẻ chân trắng với cá trắm đen thì phải chọn những ao nằm ở khu vực cửa sông ven biển hoặc các vùng chuyển đổi ở ven biển; nguồn nước sạch, đảm bảo đạt các yếu tố về môi trường. Trước khi thả cá giống, ao được cải tạo và cấp nước. Nước cấp vào ao phải qua lọc để tránh sinh vật có hại và các loại cá khác vào ao sẽ cạnh tranh thức ăn. Cá giống được chọn phải đồng đều, thân hình cân đối, không bị dị hình, dị dạng; cá có màu xanh sẫm, vây, vẩy hoàn chỉnh, không bị sây sát và mất nhớt; cá bơi lội, hoạt động nhanh nhẹn. Đối với tôm phải là tôm đã ương và thuần hóa về nước có độ mặn 3-5o/oo và có kích thước 3-4cm. Tôm mua về cần thả thử trong thùng chứa nước ao hoàn toàn, sau 1-2 ngày thấy không bị hao hụt là có thể bắt thả vào ao nuôi. Tôm sẽ được thả vào trước khi thả cá hoặc thả cùng ngày. Không thả tôm sau khi thả cá để tránh bị cá ăn thịt. Khi tôm đã quen với môi trường sống thì cá không thể tấn công. Sau khi thả tôm được 45-60 ngày có thể thu tỉa hằng ngày từ cỡ tôm 70-80 con/kg. Sau khi thu hoạch thì tiếp tục thả thêm đợt tôm tiếp theo, cứ làm như vậy 2-3 đợt/năm. Ông Ngô Quang Thanh, xóm 13 cũng đã sang năm thứ 2 thực hiện mô hình nuôi xen canh tôm thẻ chân trắng với cá trắm đen. Trước kia ông Thanh chỉ chuyên nuôi cá nước ngọt truyền thống. Từ ngày chuyển sang nuôi xen canh tôm thẻ chân trắng với cá trắm đen ông cũng nhận thấy được những lợi ích và hiệu quả đáng kể mà mô hình mang lại. Ông nói: “Từ ngày thực hiện mô hình đến nay tôi thấy yên tâm hơn hẳn vì chi phí đầu vào được giảm bớt. Hơn nữa tôi cũng không còn lo tôm, cá bị dịch bệnh nhiều như trước kia, thu nhập cũng khấm khá hơn”. Ông cho biết trong quá trình nuôi, phải kiểm tra tình hình sử dụng thức ăn của cá để điều chỉnh cho hợp lý. Khi cá sử dụng hết thức ăn thì ngày hôm sau phải tăng thức ăn. Đặc biệt phải thường xuyên thăm ao vào sáng sớm, nếu thấy cá nổi đầu do ao không đủ lượng ô-xy cho cá hô hấp hoặc chất lượng nước không tốt phải kịp thời xử lý ngay. Vì vậy, phải định kỳ cấp nước mới vào ao nuôi.
Bên cạnh hộ anh Chương, hộ ông Thanh, nhiều hộ dân ở xã Xuân Hòa đã bắt tay thực hiện mô hình xen canh tôm thẻ chân trắng với cá trắm hoặc cá chép, cá diêu hồng. Từ những kết quả đã đạt được, có thể thấy, đây là mô hình sản xuất có tính bền vững, là hướng đi đầy triển vọng đối với các ao nuôi tôm kém hiệu quả, nhất là các ao trước đây thường xảy ra dịch bệnh, môi trường suy thoái. Mô hình cần được nghiên cứu triển khai nhân rộng trong thời gian tới nhằm góp phần mang lại hiệu quả ổn định và bền vững cho các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh./.
Báo Nam Định